20 Tháng Mười Hai, 2010

Doanh nhân đất Việt: Nam Cường – Trí lớn, lòng son

Làm việc nhỏ để làm việc lớn

Tôi không nhớ chính xác, nhưng quãng chục năm trước, một hôm, vừa hết giờ làm việc buổi chiều thì Cường đến phòng tôi. Sau vài câu chuyện mào đầu, anh mở cặp lấy ra tấm bản đồ trải lên bàn. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh đã vào đề: “Tôi xin thông báo với “bố cháu”, tôi chuẩn bị làm một khu đô thị lớn ở Hải Dương. Đây là khu rộng nhất ở miền Bắc và với cách làm mới đang được Chính phủ xem xét quyết định là “Đổi đất lấy hạ tầng”. Là người đi nhiều, biết nhiều, “bố cháu” phải hiểu kỹ dự án này và sắn tay cùng với tôi. Nay mai nếu có anh em báo chí nào quan tâm, “bố cháu” phải giải thích cho anh em hiểu”. Tôi hơi sững người, bởi trước đó công ty anh vừa đầu tư làm khu đô thị 70ha ở phía Đông TP Hải Dương, cũng gặp không ít khó khăn và hiện vẫn còn một số diện tích đất chưa sử dụng  hết. Bây giờ làm khu mới với hơn 400 ha, phải giải phóng cả nghìn hộ dân, hàng nghìn ngôi mộ… sao làm được. Thấy tôi băn khoăn, anh nhìn xoáy vào tôi nói như khẩn khoản và như ra lệnh: “Thế tôi mới cần đến anh em bạn bè. Nhưng “bố cháu” yên tâm đi, khu phía Đông mình vừa làm không tính lợi nhuận mà lấy học phí, kinh nghiệm và cả quan hệ nữa. Bây giờ khu phía Tây chắc chắn sẽ làm được. Tôi làm cái nhỏ trước để làm cái lớn sau”. Chơi với Cường lâu, tôi biết tính anh. Đã quyết cái gì thì người khác khó gàn lắm. Tất nhiên đây là vấn đề quá lớn, vì thế anh đã phải tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia kể cả trong và ngoài nước, ở Trung ương và địa phương. Có lẽ đến với tôi, anh chỉ cần một sự ủng hộ và động viên. Tôi hiểu và chú ý nghe anh giới thiệu từng dự án nhỏ trong tổng thể của dự án: Hệ thống giao thông và hạ tầng, khu quảng trường, khu dân cư, khu thương mại, đảo ngọc… Đặc biệt anh nói rất kỹ về kế hoạch xây dựng các nghĩa trang trong khu đô thị. Đây là việc khó khăn nhất trong khâu giải phóng mặt bằng với bất cứ dự án nào ở nước ta. Nhưng anh đã tìm ra một lời giải tôi cho là tối ưu với bài toán hóc búa này.

 

tuongnhochu1
Cố chủ tịch Trần Văn Cường, tiến sĩ Vũ Xuân Kiều cùng tác giả chụp với giáo sư Vũ Khiêu

Hình như đã thuyết phục được tôi, Cường quay sang phân tích về vị thế của Hải Dương trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Anh bảo, Hải Dương không chỉ là điểm giữa về mặt địa lý, mà phải trở thành một yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế trong khu tam giác, vì vậy ở đây phải có khu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Bây giờ thì chưa, nhưng 10 năm, 20 năm nữa điều này sẽ thành sự thực. “Bây giờ nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội họ đang nghĩ đến những dự án lớn ở các địa phương, tại sao mình không làm. Mình dân quê thật, nhưng cũng phải nghĩ đến những việc lớn, phải “tả cảnh” như dân Thủ đô chứ, cứ loanh quanh mấy việc nhỏ mãi à!” Sau gần 2 giờ ngồi với Cường, tôi đã thực sự kinh ngạc và kính nể anh. Cái tay “tri điền” này – như Cường vẫn tự nhận về mình – học đâu ra nhiều kiến thức kinh tế thế nhỉ. Lại còn vẽ ra cái dự án khu đô thị phía Tây TP Hải Dương với kế hoạch mà tôi cho rằng đến tầm Chính phủ làm cũng không dễ. Dù không hiểu biết nhiều về các khu đô thị, hay cơ chế này nọ, nhưng tôi tin Cường làm được, vì trước đó tôi đã nghe đến chuyện “đổi đất lấy hạ tầng” của ông Đào Hồng Tuyển ở Tuần Châu (Quảng Ninh), rồi khu Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh) và một số khu đô thị, vui chơi giải trí khác trong cả nước… Rồi ngày khởi công dự án đã đến. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, ngành Trung ương, địa phương có mặt tham dự. Tôi giật mình trước cách tổ chức thật hoành tráng của anh và sau đó (xin thú thực) luôn nín thở theo dõi từng tiến độ của dự án. Tôi không hề có quyền thế, không trách nhiệm và càng không có lợi ích gì ở đây, nhưng quả thực luôn thấy lo ngại, suy nghĩ khi nhận một thông tin nào đó không tốt về dự án này. Nào là một kiến nghị về một con đường; nào là các hộ dân không đồng ý với mức đền bù; rồi một số đối tượng cò đất ở các nơi về mua đất thổ cư của dân trong khu vực phải giải phóng theo kế hoạch… Những chuyện lình xình đó, không chỉ trong dư luận mà có khi còn đưa lên cả báo chí. Mỗi khi như vậy nếu tôi không chủ động tìm hiểu thì Cường cũng thông tin để tôi biết và hiểu bản chất vấn đề. Và thật ngạc nhiên, mỗi lần gặp khó khăn thì trong cái đầu gọi là “tri điền” của Nam Cường lại nảy ra cách giải quyết thật hợp lý. Tôi phải nhắc đến “quyết sách” sáng suốt và được lòng dân của anh trong việc động viên người dân tự di dời cả nghìn ngôi mộ vào nghĩa trang trong khu đô thị do Tập đoàn xây dựng. Đầu tiên là kiểu mẫu nghĩa trang. Anh mời đại diện các cụ, lãnh đạo địa phương đi tham quan mẫu một số nghĩa trang mà các kiến trúc sư đã giới thiệu. Khi đi, có chụp ảnh, quay băng. Trở về các cụ họp với dân, mở băng, xem ảnh để bà con chọn và quyết định. Vậy là khởi đầu cho chuyện nghĩa trang đã ổn. Nghĩa trang được xây dựng, có nhà quản trang, đường đi lối lại sạch sẽ. Mẫu các mộ thống nhất. Các gia đình có mộ được hỗ trợ thỏa đáng. Hôm bắt đầu di dời các ngôi mộ, có các nhà sư và đoàn phật tử làm lễ cầu siêu tới ba ngày. Cử chỉ tận tâm, chu đáo của công ty được bà con ủng hộ. Con số những gia đình tự nguyện di dời mồ mả tăng dần: 60, 70… rồi đến hơn 95%. Số ít còn lại do người thân đi làm ăn xa chưa kịp về hoặc do tuổi tác con cháu chưa hợp trong năm, kể cả số ít ngôi mộ không có người nhận. Tất cả đều được công ty giải quyết thấu lý, đạt tình, đúng phong tục làng quê…

Chưa hết, một việc mà sau này nhiều người còn phải nhắc đến, đó là ý tưởng “Làng trong khu đô thị” của anh khi giải quyết khó khăn, phức tạp trong việc di dời các hộ dân nằm trong quy hoạch của khu đô thị. Quy hoạch đã được duyệt, kế hoạch di dời tái định cư các hộ dân cùng việc đền bù để giải phóng mặt bằng đã có, song có một số người không chịu. Họ không chỉ đòi thêm tiền mà còn đưa ra các điều kiện khó có thể chấp nhận. Sau nhiều lần trực tiếp thương thảo và khảo sát để giải quyết khó thành, anh đã nảy ra một ý tưởng: Tạo làng dân cư trong khu đô thị. Anh làm việc với nhà thiết kế, với chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan khác. Cuối cùng ý kiến của anh được chấp nhận. Dù việc thay đổi đó có tốn kém cho Tập đoàn về thay đổi thiết kế nhưng cái lớn nhất là cái nghĩa cái tình hợp lòng dân, vì thế mà việc giải phóng mặt bằng được suôn sẻ. Và do vậy tốc độ xây dựng ở đây được thực hiện đúng tiến độ…. Từ thành công ban đầu của khu phía Tây thành phố Hải Dương, Tập đoàn Nam Cường đã xúc tiến xây dựng hàng loạt dự án lớn: Khu đô thị Hòa Vượng (Nam Định), trục đường phát triển Đông Tây (Hà Tây cũ), khu đô thị Dương Nội (Hà Đông)… ở đâu tập đoàn cũng đạt được kết quả tốt. Tôi không có điều kiện và cũng không muốn là người “độc khen” trước những ý tưởng đang dần thành hiện thực của anh. Thời gian và lòng người đã, đang và còn chứng minh, thừa nhận điều đó. Sẽ còn nhiều, rất nhiều người nhắc đến anh, nhắc đến những ý tưởng lớn, sáng tạo từ con người có trí lớn và lòng son này. Đã có lần anh tâm sự với tôi: Nếu để sống cho riêng mình và những người thân thì Nam Cường không phải làm gì thêm nữa.Nhưng còn hàng nghìn công nhân và phải có trách nhiệm của một công dân khi nước mình còn chưa vươn tới một đất nước giàu và đẹp…

Vận dụng pháp luật, không được làm trái

Không phải sau này thành đạt, trong tay có hàng nghìn công nhân mà từ lâu, mỗi khi đụng điều gì trắc trở là Nam Cường đều đưa ra nguyên tắc trong cuộc sống của mình. Đó là sống và làm việc theo  phát luật. Tôi nhớ, một lần khi mới chuyển về ở hẳn Hà Nội. Một hôm anh đưa xe ôtô đến đón tôi đi có việc. Khi đến một ngã tư, mải nói chuyện, anh lái xe để xe chớm đè vào phần vạch của người đi bộ. Xe không thể lùi lại vì phía sau là xe máy. Một sĩ quan Cảnh sát bước ra yêu cầu đánh xe vào vỉa hè. Thấy vậy tôi định mở cửa xuống trình bày để xin cho đi. Ngay lập tức, anh Cường kéo tay tôi ngăn lại. Anh bảo: “Việc đó của lái xe. Đi như thế nào cho đúng luật, đưa sếp đến nơi làm việc đúng giờ, lái xe phải lo, phải tính thời gian. Không được vi phạm. Nếu vi phạm phải tự xử lý. Tôi không bao giờ xin xỏ, vừa mất thời gian, vừa không đẹp mặt lắm”. Nghe anh nói, tôi thấy phải. Thế là ý định dùng ảnh hưởng của mình xin các đồng nghiệp tha cho chú lái xe của tôi tan biến. Thường thì nhiều người, biết chúng tôi làm trong lực lượng Công an, khi đi đường vi phạm gì về giao thông là gọi nhờ can thiệp và xin xỏ. Còn với anh không chỉ là chuyện này vì nhiều năm chơi với nhau anh chưa một lần nhờ tôi can thiệp cho anh hoặc người thân bất cứ công việc gì. Trên suốt đoạn đường, anh nói với tôi, như để nói với chú lái xe rằng “trên cuộc đời này cái gì mình có thể vận dụng được thì mình vận dụng, làm không được sai luật và nguyên tắc. Chứ biết sai mà cứ làm thì dù anh có thế lực vai vế, quen thân tới cỡ giời, anh cắn cỏ lạy người ta cũng không tha”. Nói rồi anh quay sang kể chuyện đi thuyền trên sông nước từ ngày xửa ngày xưa. Có phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái đâu. Nhiều khi đêm tối, gặp dòng nước xoáy, người lái phải bình tĩnh, lách dòng mà đi. Lách tức là phải lựa, phải theo dòng nước, chứ mạo hiểm, bất tuân theo dòng chảy là toi mạng. Hình như bao năm lênh đênh trên những con thuyền, với những hiểm nguy rình rập – mà thậm chí chính người cha yêu quý của anh cũng mãi mãi ra đi vì sông nước – đã đưa lại cho anh một triết lý, một nguyên tắc trong cuộc sống: Vận dụng linh hoạt pháp luật và cơ chế, không được làm trái quy luật, pháp luật và cơ chế.

Khoảng năm 1997, khi vụ án ma túy do Vũ Xuân Trường cầm đầu bị phát hiện, nhiều đối tượng trong đường dây ma túy này quê ở Xuân Trường (Nam Định) bị bắt và bị xử mức án cao nhất. Một số cán bộ trong các cơ quan Nhà nước có liên quan đến các đối tượng(kể cả người nghi có liên quan) bị đình chỉ công tác. Nhiều gia đình ở huyện Xuân Trường, Nam Dịnh bao trùm không khí ảm đạm, mất mát khi người thân bị bắt giam, bị xử bắn. Làng trong, xóm ngoài, ở đâu cũng bàn tán về vụ án. Dư luận đồn thổi, người này bị bắt, người kia bị bắt. Trong số đó có cả Trần Văn Cường. Người ta ác mồm nói rằng Nam Cường không phải làm thương mại hay buôn bán phân đạm gì mà do buôn ma túy nên mới giàu có và đã bị Bộ Công an bắt rồi. Rất nhiều người, kể cả một vài cán bộ Công an có quen biết Cường, nghe tin đã điện đến hỏi tôi. Tôi thì không bao giờ tin nhưng vẫn thử điện hỏi một vài anh bạn ở cơ quan chức năng và được trả lời là thông tin không đúng. Đứng như niềm tin của tôi với Nam Cường. Nhưng trớ trêu, tôi điện vào máy cầm tay của anh thì không thể, vì máy luôn tắt. Nhân dịp này, tôi có chuyến công tác tại Hải Phòng, và tôi đến thẳng khách sạn Tray tìm anh. Chú lái xe không giấu được tò mò, hỏi: “Em nghe nói ông Nam Cường bị sao mà”. Tôi không giải thích, mà bảo chú lái xe cùng vào khách sạn. Buổi gặp còn có hai người bạn tôi trong đó có Trưởng phòng Công an TP Hải Phòng. Câu chuyện trong bữa ăn đều xoay quanh thông tin đồn thổi anh Cường bị dính ma túy. Tôi hỏi lý do anh không mở máy di động, anh bảo rằng suốt mấy ngày qua nhiều người gọi đến hỏi làm anh mệt quá. Anh nói với tôi “ Tôi hỏi bạn, bạn có tin những lời đồn thổi về tôi thế không?” . Tôi trả lời “ Mình không bao giờ tin”. Cường cười: “ Thế là được rồi, và mình không để mất lòng tin của bất cứ ai”. Để yên lòng dư luận tôi cho đăng trên báo CAND thông tin “Nếu tôi dính vào ma túy, tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật” kèm bức ảnh chúng tôi chụp cùng anh Cường đang mặc quần soóc, áo thể thao tại khách sạn Tray, Hải Phòng. Báo phát hành, dư luận đồn đại ác ý về anh mới hết.

Mà thật, với Nam Cường – một người hùng của thời đổi mới, không phải một, mà phải vài ba lần, dư luận đồn thổi Nam Cường dính vào vòng lao lý. Giữa năm 2008, khi tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài đang trong giai đoạn thi công khẩn trương thì dư luận lại xì xầm đồn thổi về anh. Ngay lập tức tôi điện thoại cho anh. Anh bảo: “Thiên hạ đồn gì kệ họ, miễn là ông và những người yêu tôi tin tôi là được rồi. Ông vui đi, tôi đang kiểm tra tiến độ thi công tại công trình đường trục phía bắc Hà Đông đây”. Lại một lần nữa các cơ quan ngôn luận phải vào cuộc, dư luận xấu kia mới dẹp bỏ. Có lần ngồi trò chuyện, Cường bảo tôi: “sao nhiều người dễ tin thế nhỉ?”. Tôi đường đường, chính chính thế này mà khi nghe đồn chuyện này, chuyện kia họ tin lấy được. Luật pháp của mình rõ ràng, đâu phải muốn làm gì ai thì làm…”. Anh nói với tôi, trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân như anh, chỉ một sơ hở dễ vi phạm pháp luật, đó là trốn thuế. Anh nói rằng đã xác định làm ăn lớn không được sơ hở tức là không làm gì phải trốn thuế. Vì vậy, anh yêu cầu bộ phận tài chính, kế toán trong Tập đoàn luôn phải hạch toán đầy đủ, rõ ràng, làm đúng và đủ nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Trong trường hợp như vậy, bản thân anh không có gì phải lo nghĩ. Điều còn lại là làm sao làm ra của cải nuôi hàng nghìn người lao động trong Tập đoàn có đời sống khá hơn. Và cái quan trọng nhất mà lúc nào Cường cũng đau đáu là góp phần cho đất nước đổi mới và phồn thịnh. Đó là lẽ sống đã giúp anh tồn tại và Nam Cường mãi mãi sống trong lòng những người yêu anh, hiểu anh.

 

Vĩ thanh

Có lẽ tôi không phải là người duy nhất được anh Cường thổ lộ những ý tưởng lớn của mình. Nhưng tôi muốn nhắc đến hai dự án tầm cỡ quốc tế mà anh muốn làm.

Thứ nhất, đó là anh muốn đầu tư xây dựng ở phía Tây TP Hà Nội một tháp đôi hiện đại hơn tháp đôi ở Malaysia, nhưng lại mang vóc dáng của Việt Nam. Ở đó không chỉ có văn phòng cho thuê, còn có khách sạn, khu nghỉ dưỡng, thăm quan du lịch, và đặc biệt còn có nhiều lớp học miễn phí về nghề cho con em gia đình nghèo…

Thứ hai, anh muốn xây dựng một thành phố ven biển ở Giao Thủy, Nam Định, biến khu Cồn Lu, Cồn Ngạn thành khu dân cư và du lịch; cải tạo, nâng cấp đường nối từ quốc lộ 1 về Giao Thủy; xây dựng đường ven biển Hải Phòng – Giao Thủy và khi già về sống ở khu đô thị ven biển này…

Đó là hai ý tưởng lớn anh đã tâm sự với tôi, thậm chí còn phác thảo trên giấy. Hoàn toàn có cơ sở để tôi tin ý tưởng táo bạo đó của anh có thể thành hiện thực. Và cái lớn nhất là anh muốn những người lao động, những công nhân của anh có cuộc sống đang hoàng, cũng như anh muốn góp những viên gạch nhỏ cho xây dựng đất nước. Nhưng tiếc thay, đúng lúc trong anh đang nung nấu biết bao công việc, kế hoạch cho tương lai thì … căn bệnh ung thư quái ác đã đến với anh. Trong thời gian anh chữa bệnh ở Nhật, tôi là người may mắn được đến thăm anh và trực tiếp gặp anh ở bệnh viện. Tôi đến, anh ôm tôi hồi lâu. Anh kể cho tôi nghe về bệnh tật, việc chữa trị ở đây. Thấy anh gầy và xanh, tôi tỏ ra ái ngại, anh bảo: “Ông yên tâm đi. Chữa bệnh ở đây không có gì phải bàn rồi. Còn nếu Trời không cho sống thì mình cũng thanh thản thôi. Việc của Tập đoàn tôi đã bày cho anh em giúp việc đến 80%. Mọi việc rồi đâu sẽ vào đó”. Nghe giọng anh nói rắn rỏi nhưng âm lượng thì yếu lắm. Tôi hiểu điều gì đang chờ anh. Tôi nấn ná bên anh đến khi hết giờ giành cho người nhà bệnh nhân, tôi mới rời khỏi phòng. Đó cũng là lần cuối cùng anh với tôi trò chuyện…

Bây giờ thì anh đã ở nơi chín suối. Bằng những dòng này, tôi xin thắp cho anh một nén nhang nhân ngày giỗ đầu. Mong anh phù hộ cho vợ con anh, cho bè bạn và những người kế nhiệm tiếp tục thực hiện được ý tưởng của anh – ý tưởng lớn của một người bình dị. Vĩnh biệt bạn.

Hà Nội, đầu đông năm Canh Dần.

Theo báo CAND