20 Tháng Mười Hai, 2010

Chân dung một thuyền trưởng

Kể cả ngay từ lúc khởi nghiệp với hai bàn tay trắng cũng như lúc đã là người đứng đầu Tập đoàn Nam Cường (Nacimex), Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Trần Văn Cường – Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2007 vẫn luôn trăn trở làm sao để làm giàu cho chính bản thân mình, cho xã hội, nhất là tạo điều kiện cho những người khác cùng thoát nghèo.

Với mỗi dự án đầu tư, mong muốn lớn nhất của ông không phải là số lợi nhuận mang về cho doanh nghiệp, mà trên hết, dự án – công trình đó phải có ý nghĩa xã hội, có dấu ấn bền vững.

Sau gần 25 năm kể từ ngày khởi nghiệp (1984), trải qua rất nhiều thăng trầm, sóng gió, đến nay Tổ dịch vụ Vận tải Xuân Thủy ngày nào đã trở thành Tập đoàn Nam Cường, một tập đoàn hùng mạnh gồm nhiều Cty thành viên với hơn 200 kỹ sư, tiến sĩ và hàng ngàn công nhân. Nếu năm 1998, doanh thu của toàn Tập đoàn là 200 tỷ đồng thì 10 năm sau, con số này đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng.

Nghiệp thuyền trưởng

Năm 1976, Trần Văn Cường được HTX cử đi học lớp thuyền trưởng nên trong “hành trang bằng cấp” của mình, anh có duy nhất Chứng chỉ thuyền trưởng tàu vận tải trọng tải nhẹ. Để bù lại sự thiệt thòi này, Cường luôn chú tâm học hỏi từ thực tế cuộc sống, từ bạn bè và đồng nghiệp. Suốt 10 năm trời lênh đênh trên các bến sông, Cường đã tích trữ cho mình kinh nghiệm và vốn sống, nhưng quan trọng nhất là anh đã nhận thức ra những khả năng, những giá trị đích thực về mình.

Cuối năm 1984, sau nhiều đêm không ngủ để cân nhắc, tính toán thận trọng và bài bản, Cường quyết định thành lập Tổ dịch vụ Vận tải Xuân Thuỷ, khởi đầu cho hoạt động doanh nghiệp sau này. Với phương châm cạnh tranh bằng giá cả hợp lý và làm ăn trung thực, sau những ngày đầu gian nan, tổ hợp tác của anh ngày càng đông khách. Khi ký được những hợp đồng lớn, anh nhượng lại một ít cho các cơ sở vận tải khác để hưởng hoa hồng…

Có vốn, Trần Văn Cường bắt đầu chinh phục thương trường bằng những kế hoạch làm ăn lớn: khách sạn Thúy Quỳnh, khách sạn Tray 4 sao (Hải Phòng), và chính những dự án này đã gắn anh với biệt danh “Cường TRAY”. Khách sạn là niềm tự hào của người Hải Phòng, và tư duy “làm ăn lớn” của anh đã thể hiện khi “bạo tay” thuê người Thái Lan, người Singapore làm giám đốc với mức lương 2.000 USD/tháng.

Lao vào những dự án

Không làm nghề vận tải nữa, nhưng cái máu thuyền trưởng đã ngấm sâu trong con người anh. Vị thuyền trưởng ngày nào luôn sục sôi tìm kiếm những cơ hội kinh doanh. Anh quan niệm: “Sóng yên bể lặng thì làm gì có cá lớn”. Vậy là, con thuyền Nacimex do Trần Văn Cường dẫn dắt rẽ sóng lao vào những dự án lớn…

Những năm 2000, đang thời điểm nhiều địa phương mở cửa thúc đẩy phát triển kinh tế, anh nghĩ làm được khách sạn 4 sao thì nhất định phải làm được khách sạn 5 sao. Muốn xây khách sạn thì phải có đất “đẹp”, không có đất thì chỉ còn cách đón đầu chủ trương “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”. Chỗ đầu tiên anh nghĩ tới là mảnh đất Nam Định, nơi mình sinh ra lớn lên, nhưng ở tỉnh bàn tính mãi vẫn chưa quyết định được, nản quá anh đành rút.

Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Nam Cường - Trần Văn Cường
Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Nam Cường – Trần Văn Cường

Làm việc nhiều với kiến trúc sư, lúc đó anh cũng nhìn thấy trước vị thế của Hải Dương. Được vài người ủng hộ, nhưng để thuyết phục được cả Thường vụ tỉnh, anh về nhà thức mấy đêm liền để viết một bản tường trình 10 trang giấy thuyết minh cho những dự án của mình.

Lao vào đầu tư ở Hải Dương, đối mặt với nhiều khó khăn và dư luận, nhưng cuối cùng Nam Cường cũng được Chính phủ giao đầu tư hai khu đô thị Đông và Tây thành phố, với tổng đầu tư dự án lúc đó lên đến 3.200 tỷ đồng.

Dự án bắt đầu khởi động tốt đẹp thì tỉnh Nam Định lại gọi anh về để “gật đầu” cho dự án khu đô thị mới Hoà Vượng, Thống Nhất… Và dự án cứ nối tiếp dự án…

Cái tâm để lại…

Phải thừa nhận, TGĐ Trần Văn Cường là một “thuyền trưởng” tài hoa. Với nhiều nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề nan giải nhưng với Nam Cường thì không khó khăn lắm. Theo những người dân Hải Dương, thì TGĐ Cty Nam Cường biết đối nhân xử thế, sống có trước có sau, nên chiếm được cảm tình của nhân dân. Chẳng hạn, khi làm khu đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương, Cty phải di chuyển tới 10.000 ngôi mộ. Để công việc thông đồng bén giọt, Cty tổ chức gặp mặt bà con có mộ phần để chọn khu đất đẹp nhất, sau đó tổ chức để họ đi tham quan một số nghĩa trang, từ đó thiết kế, xây dựng một nghĩa trang mới khang trang hợp lòng dân.

Hôm quy tập các mộ, Ban Giám đốc Cty mời nhà sư và cử người tới thắp nhang cho hương hồn những người đã khuất, khiến bà con rất cảm động. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, Tập đoàn triển khai công trình nào cũng thuận buồm xuôi gió. Với dân thì như vậy, còn với nhân viên trong Tập đoàn, anh Cường như một tấm gương để anh em học tập và gắn bó hết mình. Có lần họp bàn chuyện tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, TGĐ Cường nhắc anh em rằng, bây giờ chúng ta có chăm sóc thế nào cũng chưa xứng với sự hi sinh của các bà mẹ, nên uống nước phải nhớ nguồn! Đó là nghĩa cử đẹp, biểu hiện cái tâm của anh nên chinh phục được lớp trẻ.

Trong công tác quản lý, anh luôn quan tâm động viên anh em phát huy trí tuệ sáng tạo, tính độc lập tự chủ, có cơ chế thỏa đáng với những ai làm việc tốt, nên anh chị em gắn bó hết mình với Tập đoàn, làm việc tới 9-10 giờ tối là chuyện bình thường. Anh còn thường xuyên cử đội ngũ cán bộ quản lý tham gia các khóa học trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ…

Hi vọng với một người “thuyền trưởng” có tâm, có tài và dày dạn kinh nghiệm như TGĐ Trần Văn Cường, cùng với năng lực và sự tận tâm của đội ngũ CBNV, con thuyền Nacimex ngày càng vững chãi rẽ sóng ra khơi.

Theo báo DĐDN (năm 2007)