26 Tháng Sáu, 2010

6 tháng đầu năm 2010: Các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đều khả quan

Tình hình kinh tê – xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục khả quan

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định kinh tế đất nước tiếp tục phục hồi khá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông lâm và thủy sản tăng trưởng 2,7-3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 6-6,7%; dịch vụ tăng 6,8-7,2%.

Theo số  liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 chỉ tiêu kinh tế – xã hội quan trọng là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2010 đều khả quan.

Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6-6,1%. Trong quý I, GDP tăng 5,83% và tăng lên 6,2-6,4% trong quý II. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước đó.

Các nhân tố hỗ trợ tăng trưởng theo chiều hướng thuận lợi

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định kinh tế đất nước tiếp tục phục hồi khá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông lâm và thủy sản tăng trưởng 2,7-3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 6-6,7%; dịch vụ tăng 6,8-7,2%.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, các nhân tố hỗ trợ tăng trưởng đều đang đi theo chiều hướng có lợi. Đầu tư phát triển được đẩy mạnh giúp sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hoạt động xuất khẩu tiếp tục được cải thiện…

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2010, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ước đạt 36,5% kế hoạch cả năm, lượng vốn ODA được giải ngân cao hơn cùng kỳ năm trước, tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến ngày 31/5 đã tăng 7,5% so với tháng 12/2009…

Ngoài ra, theo Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký số vốn đầu tư 8,43 tỷ USD, trong đó vốn FDI giải ngân đạt 5,4 tỷ USD.

Dòng vốn quay trở lại, sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng mạnh về sản lượng. Theo Bộ Công Thương, trong 33 mặt hàng công nghiệp chủ lực, có tới 29 loại đạt tăng trưởng về sản lượng trong 6 tháng qua so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý là sản lượng xăng dầu các loại tăng hơn 7 lần, khí hóa lỏng tăng hơn 2 lần, điều hòa nhiệt độ tăng gần 46%, máy công cụ tăng 45%…

Tại thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội 5 tháng đầu năm cũng tăng trên 27% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng khoảng 17%.

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu cũng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Nhiều mặt hàng công nghiệp đã có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ 2009, là tín hiệu đáng mừng và là cơ sở để dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khá, bù đắp lại phần giảm giá trị xuất khẩu của nhóm nhiên liệu khoáng sản và vàng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư  nhận định, thời gian tới, xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, cùng với sự phát triển của thị trường nội địa sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Nhiều yếu tố giúp kiềm chế lạm phát

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6 chỉ tăng 0,22% so với tháng 5 và tăng 4,78% so với tháng 12/2009. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2010 tăng 8,75% so với nửa đầu năm 2009.

Trong thời gian tới, giá cả một số mặt hàng có “độ nhạy” cao với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như gạo, thịt lợn, xăng dầu, thuốc chữa bệnh… sẽ tiếp tục được giữ ổn định.

Với mặt hàng gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, nửa đầu tháng 6, cả nước xuất khẩu thêm gần 200.000 tấn gạo, đưa lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tấn, kim ngạch 1,3 tỷ USD.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch rộ lúa hè thu, giá lúa tuần này giảm nhẹ so với tuần trước, ở mức 4.250 – 4.350 đồng/kg.

Các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, nguồn cung tăng nên giá gạo giảm nhẹ tại một số địa phương, ở mức khoảng 8.000 – 9.500 đồng/kg gạo tẻ thường.

Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo thời gian tới, do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức thấp, trong khi tại các tỉnh phía Bắc nguồn cung bắt đầu tăng từ vụ thu hoạch mới nên giá lúa gạo trong nước sẽ ổn định.

Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm, thịt lợn chiếm quyền số tương đối lớn và nhiều khả năng chỉ số giá nhóm hàng này sẽ còn ổn định trong tháng tới.

Hiện giá các loại thịt lợn hơi tùy từng địa phương đã giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg, phổ biến ở mức 27-30.000  đồng/kg ở miền Bắc và 29-33.000 đồng/kg ở miền Nam.

Giá thịt lợn giảm có nguyên nhân chính do dịch tai xanh diến biến phức tạp khiến tiêu thụ giảm. Người tiêu dùng đang chuyển sang các sản phẩm thịt thay thế như thịt bò, gà… Dự báo, trong thời gian tới, giá thịt lợn sẽ tiếp tục giảm nhưng giá thực phẩm  thay thế thịt lợn sẽ vẫn đứng ở mức cao.

Cũng theo Tổ điều hành thị trường trong nước, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục ổn định, giá gas sẽ có xu hướng giảm nhẹ do giá thế giới dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Giá thép xây dựng được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

Về giá thuốc chữa bệnh, theo Bộ Y tế, trong tháng qua, thị trường dược phẩm nhìn chung ổn định, giá thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh công lập ổn định và thường thấp hơn giá bán lẻ bên ngoài.

Theo Tổ điều hành, thời tiết được dự báo tiếp tục nắng nóng và dịch bệnh trên người gia tăng nên cầu về thuốc chữa bệnh còn tăng. Nhưng, do cung ứng thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nên thị trường nhìn chung sẽ ổn định. Giá thuốc sẽ ít được điều chỉnh trong thời gian tới do hầu hết các yếu tố đầu vào đã được điều chỉnh trong thời gian qua, trong khi tỷ giá tiếp tục ổn định.

Dự báo, cùng với sự điều hành linh hoạt của các cơ quan chức năng, các yếu tố nói trên sẽ giúp CPI trong thời gian tới tiếp tục giữ ổn định.

Theo Chinhphu.vn