30 Tháng Sáu, 2010

Luồng vốn FDI đang thuận

Mức giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả năm 2010 được dự báo sẽ tăng hơn 10% so với năm 2009, đạt tới 11 tỷ USD.

Con số dự báo trên được đưa ra trong kịch bản cơ bản cho kinh tế Việt Nam năm 2010 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) xây dựng. Với kịch bản này, giải ngân FDI năm 2010 có thể đạt tới 11 tỷ USD. Đây là ngưỡng cao trong chỉ tiêu kế hoạch về giải ngân FDI được đặt ra cho năm 2010.

Tuy nhiên, so với dự báo mới nhất mà Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố về thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2010, dường như xu thế đang theo chiều hướng lạc quan hơn. Ngân hàng Standard Chartered nhận định, Việt Nam có khả năng thu hút 10 – 15 tỷ USD vốn FDI/năm, so với mức 7 – 9 tỷ USD/năm trong 2 năm qua, bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cơ sở của dự báo này, theo Ngân hàng Standard Chartered, ngoài lao động rẻ, thì sự đa dạng hóa rủi ro cũng đang thuyết phục được các công ty đa quốc gia xem xét đầu tư vào Việt Nam. “Các nhà đầu tư châu Á đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào Việt Nam, với mối quan tâm lớn đến các lĩnh vực sản xuất và du lịch.

Chúng tôi cũng hy vọng, các công ty Mỹ và châu Âu cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư và tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam”, báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered phân tích.

Cũng phải nói thêm, trong kịch bản lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2010 của CIEM, với những giả định xu thế phục hồi tốt hơn của kinh tế thế giới, mức tăng trưởng xuất khẩu và chuyển dịch luồng vốn đầu tư mạnh vào khu vực châu Á cao hơn dự kiến hiện tại, thì khả năng giải ngân FDI năm nay có thể tăng tới 20% so với năm 2009.

Đặt các dự báo này trong thực tế mức giải ngân vốn FDI tính đến tháng 6/2010 đạt 5,4 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2009, thì có thể thấy, việc đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2010 là trong tầm tay. Các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhận định rằng, so với dự kiến giải ngân từ đầu năm, thì tiến độ giải ngân này là phù hợp.

Tuy nhiên, cũng phải nhắc đến thực tế là tỷ lệ dự án tăng vốn đang có xu hướng giảm. Trong 6 tháng đầu năm, có 121 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 525 triệu USD, chỉ bằng 10,7% so với cùng kỳ năm 2009.

Bên cạnh đó, điều kiện để đón nhận xu hướng chuyển dịch của các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài từ Trung Quốc sang các quốc gia khác do giá nhân công tại Trung Quốc tăng mạnh cũng được cho là rất giới hạn, do Việt Nam chưa có hệ thống chính sách và cơ sở hạ tầng đủ hấp dẫn.

Trong phân tích về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh rằng, trong chuỗi cung ứng hiện đại, ngay cả những sản phẩm tốt nhất cũng cần được phân phối hiệu quả và đáng tin cậy. Vì vậy năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu vận chuyển, cơ sở hạ tầng hậu cần hiệu quả và toàn diện nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.

Trong khi nhiều quốc gia khác có chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc, nhưng các công ty đa quốc gia vẫn đang mua hàng từ các nhà sản xuất Trung Quốc, vì hậu cần đi kèm của họ đảm bảo giao hàng kịp thời. Kết quả là, các nước có cơ sở hạ tầng hậu cần kém phát triển hơn, trong đó có Việt Nam, phải đối mặt với áp lực cạnh tranh đáng kể từ các nhà sản xuất Trung Quốc.

Cùng với đó, những nút thắt về nguồn nhân lực, sự thiếu hụt năng lượng thường xuyên vào mùa khô cũng như những khó khăn trong giải phóng mặt bằng tiếp tục là cản trở lớn trong việc thực hiện các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đơn cử, Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) tưởng chừng khá suôn sẻ sau khi nhà đầu tư Hàn Quốc hoàn thành việc chuyển tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của UBND TP. Hà Nội, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cuối tuần qua, một quan chức Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, việc thực hiện phần việc của Hà Nội trong giải phóng mặt bằng hiện không đơn giản, nếu không nói là rất khó khăn.

Và như vậy, khả năng để Dự án Tây Hồ Tây góp mặt vào danh mục dự án tạo nên tổng vốn FDI giải ngân trong năm nay dường như rất thấp.

Theo Báo Đầu tư