4 Tháng Hai, 2010

Mời gọi Nhật Bản đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt

Sáng ngày 10/3/2010, Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cũng lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ, Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, GTVT và du lịch Nhật Bản về hợp tác giữa 2 Bộ trong lĩnh vực đường sắt.

Tại buổi làm việc, phía Việt Nam đã giới thiệu quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường sắt, mạng lưới đường sắt và thực trạng cơ sở hạ tầng hiện nay, các dự án trọng điểm đang và sẽ triển khai để gọi vốn đầu tư. Đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM, dự án đường cao tốc Hà Nội – TP HCM.

Ông Trần Phi Thường, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN đã giới thiệu khá chi tiết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM và đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ đoàn công tác Nhật Bản. Theo ông Thường, tuyến đường sắt cao tốc này dài 1570 km với 2 ga đầu cuối và 25 ga dọc tuyến, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 300 km/h, sử dụng công nghệ tàu Shinkansen.

Tổng mức đầu tư dự án lên tới 55 tỷ 853 triệu USD. Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014 – 2020) đầu tư dự án Hà Nội – Vinh, TP HCM đi Nha Trang, 2021 – 2029 thực hiện dự án từ Vinh đi Đà Nẵng và làm tiếp từ Đà Nẵng đi Nha Trang để kết nối tuyến vào năm 2035.

Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức cho biết, Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ GTVT thay mặt báo cáo Quốc hội về dự án này vào tháng 5 tới. Quốc hội sẽ cho ý kiến về sử dụng nguồn vốn. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ GTVT thì phía Việt Nam sẽ đảm bảo vốn giải phóng mặt bằng, 1 phần vốn tư vấn giám sát, vốn còn lại sẽ vay ODA.

Dự kiến, nhà đầu tư sẽ được ưu tiên sử dụng hành lang của tuyến đường sắt này để kinh doanh, xây dựng các khu công nghiệp hoặc đô thị… Thứ trưởng đề nghị đoàn công tác của Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản ghi nhận tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong các dự án này và sẽ tiếp tục có các buổi làm việc cụ thể hơn để nâng cao hơn nữa sự hợp tác, đầu tư giữa hai bên.

Tại buổi làm việc, phía Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm tới chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với các dự án phát triển hạ tầng, vận hành đường sắt và kế hoạch triển khai các dự án trọng điểm trong những năm tới. Hai bên đã trao đổi các thông tin về quy hoạch, tình trạng kỹ thuật, khả năng khai thác, vận hành và các dự án đường sắt. Hai bên cũng thống nhất mỗi năm tổ chức một lần đối thoại để nâng cao hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực đường sắt.

Theo báo “GTVT”