6 Tháng Tư, 2010
Cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở (Giấy hồng)
1. Giấy tờ hợp pháp về nhà ở đô thị
2. Giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở là những loại nào?
3. Làm thế nào để được cấp “Giấy hồng”?
4. Những trường hợp nào không được hoặc chưa được cấp “Giấy hồng”?
1. Giấy tờ hợp pháp về nhà ở đô thị
Hiện nay, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được xem là giấy tờ hợp pháp về nhà ở và đất ở đô thị, thường gọi là “Giấy hồng”.
Còn một số loại giấy tờ khác cũng công nhận quyền sở hữu nhà, nhưng hình thức không giống mẫu “Giấy hồng” được gọi là giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở.
Các loại giấy chủ quyền nhà (giấy tờ nhà hợp pháp và giấy tờ nhà hợp lệ) đều có giá trị pháp lý như nhau, đều được chuyển nhượng, thế chấp, xin phép xây dựng và được đền bù khi có giải tỏa.
2. Giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở là những loại nào?
Theo Quyết định 38/2000/QĐ-UB-ĐT ngày 19-6-2000 của UBND TPHCM thì giấy tờ hợp lệ về nhà ở và đất ở có các loại sau:
– Trước 30/4/1975:
+ Giấy tờ đất thổ cư, trước đây gọi là bằng khoán điền thổ, trong đó có ghi rõ trên đất có nhà.
+ Giấy phép cho xây nhà được các cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ cấp như Đô trưởng Sài gòn, Tỉnh trưởng Gia định…
+ Giấy mua bán nhà (văn tự đoạn mãi bất động sản) có chứng nhận của Chưởng khế Sài gòn.
– Sau 30/4/1975:
+ Các loại quyết định như Quyết định hợp thức hóa nhà, Quyết định cho mua bán nhà, Quyết định cấp chủ quyền nhà do UBND Thành phố, Sở Nhà đất Thành phố, UBND Quận/Huyện cấp và đã nộp lệ phí trước bạ.
+ Giấy phép xây dựng nhà kèm theo giấy sở hữu nhà hoặc giấy cấp đất, giao đất hợp lệ.
+ Giấy phép ủy quyền nhà do Sở Nhà đất Thành phố hoặc UBND Quận/Huyện cấp và đã thực hiện thủ tục trước bạ.
Ngoài ra, các loại giấy tờ sau đây kèm theo giấy chủ quyền nhà của chủ cũ cũng được coi là hợp lệ về sở hữu nhà:
+ Tờ di chúc hoặc phân chia di sản về nhà ở, có chứng nhận của cơ quan công chứng.
+ Bản án hoặc quyết định của tòa án công nhận quyền sở hữu nhà, đã có hiệu lực pháp luật.
+ Hợp đồng mua bán nhà đã công chứng và nộp lệ phí trước bạ.
+ Văn bản mua bán nhà đấu giá của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc mua phát mãi của các cơ quan thi hành án.
3. Làm thế nào để được cấp “Giấy hồng”?
Để được cấp “Giấy hồng”, đương sự phải làm đơn (theo mẫu chung) kèm theo bản vẽ sơ đồ nhà đất do đơn vị có tư cách pháp nhân lập và bản sao các giấy tờ liên quan về nhà, đất, bản sao hộ khẩu… Hồ sơ được lập thành 2 bộ có xác nhận của UBND Phường nơi căn nhà tọa lạc, sau khi có ý kiến cấp Phường đương sự nộp hồ sơ tại cấp quận. Việc cấp “Giấy hồng” được chia ra làm 2 loại:
– Cấp theo yêu cầu: Cấp theo yêu cầu của đương sự.
+ Lưu ý: Các hồ sơ đã từng đăng ký chuyển nhượng (mua bán, tặng cho…) tại Sở Địa chính – Nhà đất TP (cũ) hoặc tại Trung tâm Thông tin và Đăng ký Nhà Đất TP thì nộp hồ sơ xin cấp “Giấy hồng” tại Phòng Cấp chủ quyền Nhà – Sở Xây dựng TP (địa chỉ hiện nay: 63 Lý Tự Trọng, Q.I). Thủ tục này gọi là “Cấp đổi Giấy chứng nhận”. Ngược lại, thì nộp hồ sơ tại UBND Quận/Huyện.
– Cấp theo kế hoạch: Hiện nay, UBND các Quận, Huyện đang có kế hoạch tuần tự tiến hành cấp Giấy chứng nhận cho tất cả các công trình nhà ở. Liên hệ UBND Phường để biết các thủ tục cần thiết.
4. Những trường hợp nào không được hoặc chưa được cấp “Giấy hồng”?
Không cấp “Giấy hồng” đối với các trường hợp:
+ Nhà thuộc sở hữu Nhà nước: nhà có quyết định quản lý của UBND Thành phố, Quận, Huyện.
+ Nhà đất nằm trong khu quy hoạch.
+ Nhà đã có quyết định giải tỏa.
+ Nhà do lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên dự án đã được phê duyệt.
Chưa cấp “Giấy hồng” đối với các trường hợp:
+ Nhà, đất đang có tranh chấp.
+ Nhà thuộc diện 2/IV.
+ Nhà có yếu tố nước ngoài.
+ Người không có hộ khẩu tại TPHCM cũng chưa được xét cấp đối với nhà xây dựng trái phép, hoặc nhà mua của người chưa có chủ quyền.