6 Tháng Tư, 2010
Trung cung của căn hộ
Xác định trung cung nhằm tạo tiền đề tiếp tục phân chia các khu chức năng theo phương vị trước – sau – trái – phải, theo các hướng (hình 1 – Trung cung một căn hộ rơi vào vị trí hành lang).
Mặt bằng các căn hộ chung cư thường giống nhau giữa các tầng trên – dưới ở các khu vệ sinh, bếp. Tuy nhiên, có một số vị trí căn hộ trên – dưới không trùng nhau (khi có sự thay đổi diện tích căn hộ). Do đó, gia chủ cần quan sát, bố trí sao cho phần trung cung và các khu vực khác trong căn hộ của mình ít chịu ảnh hưởng của căn hộ bên trên và cũng không gây ảnh hưởng xuống căn hộ lầu dưới.
Phần trung cung của căn hộ thường rơi vào vị trí đi lại, nhằm kết nối các phòng chung quanh. Do đó, bạn tránh ngăn chia hay bố trí sinh hoạt (ăn, ngủ) tại vị trí này. Khi phân chia chức năng, cách bố trí phổ biến của các chung cư là khu bếp, ăn và vệ sinh thường gần nhau và về một phía (hình 2), nên những không gian còn lại tập trung quanh trung cung.
|
|
Hình 1 |
Hình 2 |
Tuy nhiên, trung cung của căn hộ không như trung cung của nhà vườn hay nhà phố, khả năng thông thoáng và chiếu sáng ít hơn nhiều. Bạn cần bố trí đèn chiếu sáng tốt hơn cho vùng trung cung và tránh ngăn chia nhiều để tận dụng ánh sáng thiên nhiên vào trung cung (hình 3). Bếp của căn hộ chung cư cần tạo vách ngăn hoặc ống hút để tránh lan mùi ra phòng khách và các không gian sinh hoạt. Một số căn hộ chung cư bố trí theo kiểu không gian mở, chỉ làm cố định khu vệ sinh và bàn bếp, các phòng còn lại để trống.
|
|
Hình 3 |
Hình 4 |
Nhưng thực ra, trong mỗi gia đình vẫn phải có những không gian riêng tư như phòng ngủ, nơi thay đồ, góc làm việc yên tĩnh (mang tính âm). Về mặt phong thủy, việc phân chia không gian tốt – xấu nên dựa trên yếu tố âm dương cân bằng, tránh biến căn hộ trở nên thuần âm quá (ngăn chia nhiều, phải bật đèn cả ban ngày). Nhưng gia chủ cũng không thể làm theo kiểu thuần dương quá (để trống hoàn toàn). Những căn hộ nằm về hướng bất lợi (nắng gắt, tầm nhìn xấu), gia chủ phải tự cân bằng thông qua hệ thống rèm, bình phong, dùng màu sắc và vật dụng để giảm bớt xung sát ngoại cảnh (hình 4).
Mở tủ ý tưởng
* Nhà tôi hiện có một phòng sinh hoạt (3,6 x 3,9m) nằm ở vị trí không thể mở cửa lấy sáng. Nhờ Mở tủ ý tưởng giúp tôi giải pháp trang trí sao cho bớt đi cảm giác tù túng và thiếu sáng.
(Xuân Anh – khu dân cư Đồng Diều, Q.8, TP.HCM)
– Trường hợp bạn nêu trong thư khá phổ biến với nhà ống hoặc căn hộ chung cư mà không gian sử dụng không có mặt tiếp xúc với bên ngoài. Giải pháp hữu hiệu là tạo nên “ảo giác” cho căn phòng bằng cách bố trí hệ thống đèn tranh ảnh và gương soi.
Trong ảnh là một phòng sinh hoạt kích thước tương tự. Gia chủ đã gắn một tấm tranh kính trên trần và dùng đèn âm hắt ra ánh sáng khuếch tán dịu và làm không gian cao hơn. Tại các góc phòng có gắn tranh bằng kính (không viền khung tạo cảm giác nhẹ nhõm) và gương soi (làm nới rộng không gian ở khu vực tủ ti vi). Dù dùng gỗ nhiều ở cửa và sàn, nhưng căn phòng này vẫn không có cảm giác tối do khéo chọn bộ salon trẻ trung và các vật dụng hiện đại.