|
Vẫn còn nhiều dự án của các đơn vị, chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2012. Ảnh: Trung Kiên |
Trong số vốn XDCB đã giải ngân được trong 7 tháng, vốn do TP quản lý đạt tỷ lệ giải ngân 51% (khoảng 4.760 tỷ đồng), vốn do quận, huyện quản lý đạt tỷ lệ giải ngân 46% (khoảng 3.375 tỷ đồng). Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn XDCB từ ngân sách TP cao là Sóc Sơn (84%), Đông Anh (70%), Thường Tín (67%)… Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội, vẫn còn nhiều đơn vị chưa phân bổ hết hoặc phân bổ chậm kế hoạch vốn XDCB từ đầu năm như quy định. Tính đến hết tháng 6-2012, còn có một số đơn vị chưa thực hiện giao kế hoạch vốn XDCB như: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Thanh Trì, Quốc Oai… trong đó Thanh Trì là đơn vị còn số vốn chưa phân bổ nhiều nhất, khoảng 275 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ phân giao chi tiết nguồn vốn thuộc ngân sách quận, huyện, thị xã mới đạt 89% kế hoạch được giao. Đáng chú ý, trong khâu triển khai dự án và giải ngân, nhiều dự án thực hiện rất chậm. Tính đến đầu tháng 7, vẫn còn 119 dự án của 31 đơn vị, chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2012, trong đó nhiều nhất là huyện Ba Vì 17 dự án, huyện Chương Mỹ: 13, quận Hà Đông và Ban quản lý dự án Mỗ Lao: 9; các sở Giáo dục – Đào tạo: 13, Giao thông – vận tải: 11, Nông nghiệp và PTNT: 8, Y tế: 6 dự án… Trong tổng số 49 dự án đã đăng ký, mới có 23 dự án khởi công theo kế hoạch. Các đơn vị triển khai và giải ngân các dự án tập trung cấp TP đạt tỷ lệ thấp là Phú Xuyên (17%), Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (16%), huyện Chương Mỹ (14%), Sở Thông tin – Truyền thông (9,3%), Sở Khoa học – Công nghệ (1,9%)… Các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn phân cấp quận, huyện thấp là Cầu Giấy (2%), Thanh Xuân (13%) và Thanh Trì (21%).
Lý giải cho việc còn dự án chưa giải ngân, lãnh đạo các sở, ngành cho biết, nhiều dự án còn phải chờ quy hoạch xây dựng phân khu hoặc quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt. Thêm vào đó, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Riêng ngành giáo dục – đào tạo và y tế, hầu hết những dự án chưa giải ngân là những dự án chuyển tiếp, phải làm thủ tục điều chỉnh trước khi giải ngân. Tuy nhiên, về chủ quan, có thể nói nhiều ban quản lý dự án năng lực kém, chưa có kinh nghiệm, chuyên môn xây dựng, thẩm tra, thẩm định dự toán công trình… nhất là dự án xây dựng được giao cho đơn vị sự nghiệp trực tiếp làm chủ đầu tư. Tắc trách hơn, có chủ đầu tư, nhiều dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không hoàn thiện thủ tục thanh toán cho nhà thầu đúng quy định. Thậm chí, có vị lãnh đạo một sở có tới 11 dự án chưa giải ngân, khi được hỏi nguyên do thì không biết 11 dự án này là những dự án nào!?
Trước tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn XDCB thấp, không hiệu quả, Sở Kế hoạch – Đầu tư đã kiến nghị TP cắt giảm kế hoạch vốn các dự án đến hết tháng 6-2012 chủ đầu tư chưa đến giao dịch với Kho bạc Nhà nước TP và các dự án đến hết tháng 9-2012 chủ đầu tư chưa thanh toán vốn thuộc kế hoạch năm 2012 để bổ sung vốn cho các dự án cần thiết khác. Riêng về GPMB, TP đã cho phép cơ chế giải ngân vốn GPMB các dự án XDCB sử dụng vốn TP quản lý theo tiến độ, phương án được duyệt, không phụ thuộc mức vốn giao cụ thể của từng dự án. TP cũng giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện. Đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn XDCB, lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP.