5 Tháng Bảy, 2012

Sẽ có gói kích cầu 200 ngàn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm?

Nhiều khả năng từ tháng 7/2012 tới cuối năm , cơ chế giải phóng tín dụng bắt đầu được thực thi. Con số tín dụng mà nền kinh tế nhận được hàng tháng có thể lên đến 70.000 tỷ đồng.

Lãi suất “thất bại”

Một gói kích cầu trong năm 2012 là điều rất khó được thực hiện – một số quan chức đã từng phát biểu. Nhưng thời điểm đó là vào quý I và đầu quý II năm nay. Còn hiện thời, tình hình dường như đã bước sang một lằn ranh mới mà theo đó, hình ảnh gói kích cầu năm 2009 có thể tái hiện vào năm 2012 này.

Những nguồn cơn dẫn đến sự cần thiết của gói kích cầu năm nay vẫn gần như y nguyên. Bốn lần liên tục hạ trần lãi suất huy động đã chỉ để lại một dấu ấn mờ nhạt, nếu không muốn nói là khả năng chống đỡ của doanh nghiệp vẫn nguyên vẹn trạng thái mòn mỏi và chưa biết sẽ gục ngã vào lúc nào. Những người theo trường phái lạc quan có thể viện dẫn ra trường hợp của Eximbank hay một số ngân hàng khác về thực tế giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng cần lưu ý là cú giảm lãi suất cho vay về mức kỷ lục 7% của mgân hàng Eximbank đã chỉ diễn ra vào thượng tuần tháng 6/2012, tức có độ trễ so với thời điểm đầu tháng 3/2012 – khi Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên giảm trần lãi suất huy động – đến hơn 3 tháng.

Trong khi đó, gói tín dụng giá thấp của Vietcombank hay BIDV đều giống như những trường hợp cá biệt hơn là một cái gì đó đại trà. Dù thực tế đang phản ánh thực trạng quá dư thừa vốn của nhiều ngân hàng, đặc biệt nhóm G14, nhưng tốc độ và tỷ lệ giải ngân vẫn là một vấn đề đau đầu đối với chính các ngân hàng này. Cho đến nay, chỉ có Eximbank là ngân hàng duy nhất đạt được kỷ lục giải ngân đến 2.700 tỷ đồng trong hơn một tuần đầu “mở bán” với mức lãi suất cho vay 7%. Còn lại, tiến độ của nhiều ngân hàng khác vẫn như… rùa bò. 

Cũng theo đó, sau gần 4 tháng từ thời điểm chính sách tín dụng được nới lỏng, vốn vay đến tay doanh nghiệp vẫn được ví như… chuyện trong mơ. Ngay cả những doanh nghiệp chấp nhận vay với mức lãi suất 15-16% mà còn khó, vậy nên chẳng mấy đơn vị thỏa mãn được những điều kiện ngặt nghèo của ngân hàng ở vùng lãi suất cho vay 12-13%.

Bối cảnh u ám trên càng kích thích cho những hệ quả phát sinh từ các ngành sản xuất, tiêu dùng. Trong khi cánh cửa xuất khẩu ngày càng bị hạn hẹp bởi sự khó khăn của các quốc gia ở châu Âu và Mỹ, tình cảnh dư thừa lúa gạo trong nước đã khiến cho mặt hàng nông sản quá thiết yếu này cũng rơi vào tình trạng giảm giá, nông dân bị thương lái ép giá. Theo đó, nhiều mặt hàng nông sản và thủy sản khác cũng chịu chung số phận. Cho tới nay, đã không hiếm chuyện nông dân nuôi cá tra bị lỗ, còn  nhiều nhà máy thủy sản thi nhau đóng cửa. Ở một đầu cân khác, những ngành nghề công nghiệp nặng như sắt thép, xi măng vẫn chịu cảnh tồn ứ thành phẩm trong kho. Hệ số tiêu thụ vẫn như đánh đố với các doanh nghiệp.

Gói kích cầu 200.000 tỷ đồng?

Cũng bởi thực trạng chưa thể cải thiện trên, vào những ngày này bắt đầu râm ran dư luận về khả năng Chính phủ sẽ phải vào cuộc một cách “quyết liệt” hơn. Gói kích cầu lại một lần nữa được bàn tới. Cần nhắc lại, không phải vô cớ mà vào đầu tháng 6/2012, một số chuyên gia như ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính và tiền tệ quốc gia, đã đề cập đến những con số “khủng” về tín dụng, có thể lên đến 200.000 tỷ đồng, sẽ được bơm vào nền kinh tế trong nửa cuối năm 2012. Sau đó, thông tin này được chính thức hóa phần nào từ thuyết minh của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội.

Như vậy, nhiều khả năng từ tháng 7/2012, cơ chế giải phóng tín dụng bắt đầu được thực thi. Con số tín dụng mà nền kinh tế nhận được hàng tháng có thể vào khoảng 21.000 tỷ đồng. Còn nếu tính luôn cả tăng trưởng tín dụng từ hệ thống ngân hàng, mỗi tháng nền kinh tế và các doanh nghiệp có thể tiếp nhận đến trên 70.000 tỷ đồng.

So với gói kích cầu năm 2009, con số trên là không tệ. Vào năm 2009, chương trình kích cầu có giá trị lên đến 143.000 tỷ đồng. Trong đó có những khoản đáng chú ý như hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng – 17.000 tỷ, ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện một số dự án cấp bách – 37.000 tỷ, chuyển nguồn vốn đầu tư kế hoạch 2008 sang 2009 – 30.000 tỷ, thực hiện chính sách giảm thuế – 28.000 tỷ, tăng thêm dư nợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp – 17.000 tỷ.

Còn vào năm 2012, trước mắt Nhà nước đã có gói hỗ trợ miễn giảm thuế 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, như một số chuyên gia bình phẩm, con số này mới chỉ đủ cho doanh nghiệp đỡ thoi thóp chứ chưa thể giải quyết cơ bản tình hình. Còn nếu đúng như dự kiến bơm tiền 200.000 tỷ đồng, giá trị gói hỗ trợ năm nay còn lớn hơn cả con số 8 tỷ USD của gói kích cầu năm 2009. Gói hỗ trợ này, dù có được gọi bằng một cái tên nào đó, nhưng về thực chất phải nhắm đến mục tiêu kích thích sức mua và tái tạo sức bật cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nếu nửa cuối năm 2012 được chứng kiến gói kích cầu mới, các thị trường cũng vì thế có thể tái khởi động từ tư thế ngủ đông quá lâu của chúng. Đặc biệt, bất động sản với tư cách là một thị trường “được Chính phủ quan tâm nhiều nhất” – như lời của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, sẽ có hy vọng giảm bớt dư nợ và tỷ lệ nợ xấu vay ngân hàng.

Một báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vào cuối năm 2011 đã cho thấy con số dư nợ bất động sản lên tới 348.000 tỷ đồng, chứ không phải “chỉ” 200.000 tỷ đồng như Bộ Xây dựng công bố. Đồng thời, nợ xấu thực tế cũng lên tới 56.000 tỷ đồng, chứ không phải chỉ có vài chục ngàn tỷ như phỏng đoán trước đây.

Sự khác biệt quá lớn giữa những con số trên cũng cho thấy nợ và nợ xấu đang trở thành một áp lực ghê gớm không chỉ đối với Chính phủ mà còn với mọi người dân đóng thuế.
Theo báo DĐDN