30 Tháng Mười Hai, 2019
Chuyên đề: Gắn kết sức mạnh cá nhân làm nên thành công của tập thể
“Những điều vĩ đại trong kinh doanh không bao giờ được thực hiện bởi chỉ một người. Đó là công trình của cả một tập thể”, Steve Jobs
Những thành tích của mỗi cá nhân trong tập thể được ví như các vì sao quy tụ để tạo nên một “bầu trời lấp lánh” – một doanh nghiệp vững mạnh và thành công chính bởi sự nỗ lực và đóng góp cống hiến của từng cán bộ nhân viên.
Trong lý thuyết quản trị kinh doanh hiện đại có rất nhiều mô hình quản trị giúp tạo động lực cho người lao động, tăng cường tính tập thể, khuyến khích các kết nối xuyên suốt các bộ phận và vị trí công việc để tạo nên sức mạnh tập thể. Tại công sở, tập trung có ba kiểu tập thể với các phương pháp gắn kết khác nhau:
– Tập thể thông thường (Formal teams): Là những tập thể sử dụng quy tắc, thủ tục và hệ thống để hình thành nên mối liên hệ giữa các thành viên, ví dụ như phòng ban, bộ phận…
– Tập thể theo vụ việc (Ad-hoc teams): Là những tập thể sử dụng các mục tiêu đặc biệt (lý do tồn tại của họ) để gắn kết các thành viên với nhau, chẳng hạn như tập thể dự án.
– Tập thể không chính thức (Informal teams): Là mạng lưới bạn bè, đồng nghiệp… sẽ có thể chuyển thành sự trợ giúp hữu hiệu khi cần thiết.
Mỗi tập thể có một mục đích khác nhau, nhưng nhìn chung để một tập thể lớn mạnh đều cần mỗi thành viên đóng góp tích cực và có sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên. Các tập thể nhỏ lớn mạnh và liên kết mật thiết sẽ tạo nên sức mạnh của một tổ chức thành công. Vậy để phát huy sức mạnh ấy, cần xác định rõ:
1. Đặt mục tiêu chung của tổ chức làm kim chỉ nam
Dựa trên chiến lược của doanh nghiệp, các tập thể nhỏ như Phòng/Ban/Bộ phận cần có kế hoạch dài và ngắn hạn cụ thể để triển khai. Từ đó, mỗi cá nhân xác định mục tiêu công việc của riêng mình để góp phần hoàn thành kế hoạch của tập thể, đóng góp xây dựng mục tiêu chung của doanh nghiệp. Đây còn được coi là kim chỉ nam để các cá nhân, tập thể có sự gắn kết chặt chẽ trong tất cả các hoạt động chuyên môn, tạo nên sức mạnh tập thể.
2. Xác định rõ vai trò của từng thành viên
Mỗi nhân sự cần xác định rõ ràng nhiệm vụ và trách nhiệm của mình với tổ chức để qua đó có kế hoạch chi tiết cho công việc chuyên môn. Đối với Ban Lãnh đạo, các cấp quản lý, đơn vị, mục tiêu rà soát, đánh giá nhân sự nhằm sắp xếp chính xác vị trí, cơ cấu bộ máy tổ chức, góp phần tối ưu hóa kết quả lao động của doanh nghiệp.
3. Đề cao tinh thần đồng đội
Một cá nhân độc lập không thể tạo nên guồng quay của một bộ máy. Nhưng nếu bộ máy thiếu đi một mắt xích cũng không thể vận hành. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần hoàn thành tốt công việc chuyên môn, bên cạnh đó, cần gắn kết chặt chẽ với các thành viên khác để hợp sức tạo nên khối thống nhất, tối ưu hiệu quả lao động. Các con số thống kê tại các doanh nghiệp đều có chung kết quả rằng khi các nhân viên có sự gắn kết cao luôn thì hiệu suất làm việc cao hơn những tập thể rời rạc… Thực tế mà nói, nếu doanh nghiệp xây dựng được một môi trường có sự gắn kết nhân viên cao thì niềm yêu thích và sự cống hiến của nhân viên với công việc cũng cao hơn từ đó tăng cao năng suất làm việc. Từ đó dẫn đến lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp.
Kết luận rằng, sức mạnh tập thể được tạo nên bởi sự gắn kết giữa sức mạnh của các cá nhân độc lập. Bởi vậy, mỗi cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nâng cao hiệu quả làm việc và tương tác tốt với các thành viên, đơn vị sẽ tạo nên một tập thể vững mạnh, tối ưu kết quả lao động.