19 Tháng Mười, 2012
Người mua BĐS tung đủ ’chiêu’ kiện chủ đầu tư
Từ bàn cách đối lý
Mới đây, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Spendora buộc phải tụ tập nhau lại, treo băng rôn biểu ngữ trước trung tâm bán hàng dự án để buộc chủ đầu tư phải đối thoại trực tiếp. Bà Nguyễn Thị Thái, đại diện khách hàng cho hay, thời gian dài vừa qua, bà có những khúc mắc về hợp đồng và tiến độ nhưng tìm đủ cách không thể gặp được người đứng đầu của dự án. Bà cũng như không ít khách hàng khác liên tục gửi đơn thư, chuyển phát thanh đến trụ sở công ty mà không nhận được hồi âm.
Cực chẳng đã, bà buộc lòng rủ những người có cùng cảnh ngộ với mình kéo đến dự án đòi quyền lợi. Trước sức ép của khách hàng, đại diện chủ đầu tư đã buộc phải tổ chức một buổi gặp. Kết quả khiếu nại của khách hàng trong buổi gặp đó chưa biết sẽ được chủ đầu tư giải quyết ra sao, nhưng bước đầu phía khách hàng tỏ ra hoan hỉ.
Biểu tình treo biểu ngữ trước trụ sở của chủ đầu tư đang là cách được khách hàng nhiều dự án áp dụng. Với những tấm băng rôn cỡ lớn, cùng sự có mặt của hàng trăm người không chỉ gây chú ý cho chủ đầu tư mà còn thu hút cả dư luận, báo chí vào cuộc. Không chủ đầu tư nào muốn điều này xảy ra bởi uy tín của dự án sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Không còn đơn lẻ vài người, khách hàng mua dự án đang tìm cách kết nối với nhau tạo thành một cộng đồng mạnh để áp đảo chủ đầu tư. Trên các trang diễn đàn, hàng chục hội người mua nhà được lập ra để kêu gọi sự ủng hộ. Hoạt động khá bài bản, những topic này quy tụ được hàng trăm người mua cùng cảnh ngộ. Hàng ngày mọi người cập nhật liên tục và chia sẻ với nhau các thông như “sức khỏe” của chủ đầu tư, tình trạng của dự án… Lý do các diễn đàn này sôi nổi, đa phần người dân đều quá bận rộn nên khó có thể gặp gỡ trực tiếp nên việc lập forum để trao đổi, cùng nhau đóng góp ý kiến sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, chí phí họp hành.
Khách hàng mua nhà tại dự án Spendora yêu cầu gặp trực tiếp chủ đầu tư dự án để đối thoại.
Sau đó là những cuộc họp offline bên ngoài tìm cách đối phó với chủ đầu tư. Điểm chung ở những hội này là đều bầu ra một ban đại diện khách hàng để làm việc với chủ đầu tư và có cả kinh phí cho các hoạt động. Mọi đường đi nước bước để làm việc với chủ đầu tư đều được ban đại diện bàn bạc tính kỹ với thành viên để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.
Chị Thái – đại diện một nhóm khách hàng tại dự án Spendora, chia sẻ, để có kết quả tốt với chủ đầu tư, nhóm chị cũng đã kêu gọi được gần 50 khách hàng. Lúc đầu, để tìm được những người có cùng hoàn cảnh không phải là điều dễ dàng nhưng nhờ sự hỗ trợ từ Internet cơ hội kết nối nhiều hơn, mọi người có cùng hoàn cảnh dễ tìm đến với nhau. Danh sách khách hàng mua dự án này tham gia nhóm ngày càng nhiều. Tuy nhiên, theo chị Thái, để đấu tranh giành quyền lợi cần phải thời gian dài.
Tận dụng công nghệ, khách hàng mua chung cư tại dự án ở Trung Văn còn lập cả blog để tố chủ đầu tư chèn ép dân. Hàng chục bài viết xung quanh dự án đã được đăng tải, cùng với đó là hàng nghìn comment của các thành viên. Quản lý blog này cho hay, đây là cách mọi người dễ tìm đến với nhau, mỗi ngày có gần 200 lượt các thành viên truy cập. Họ tập hơn được gần 80 người mua căn hộ, lần lượt đến gặp chủ đầu tư, lập biên bản làm việc, rồi kéo đến ép đơn vị bán hàng phải nộp tiền để họ được nhận nhà.
Bài diễn văn của blog được viết một cách hóm hỉnh: “Các ông bà sẽ tìm gặp giám đốc công ty Hạ Long ư? Điện thoại của anh ấy sẽ tắt máy, hoặc anh ấy trả lời đang bận cuộc họp, hoặc anh ấy nói hãy liên hệ với phòng kinh doanh của tôi. Các ông bà sẽ tìm đến văn phòng công ty Hạ Long ư? Cô em lễ tân xinh xắn sẽ mời ông bà cốc nước mát và trả lời giám đốc của em đang đi công tác nước ngoài… Vậy là các ông bà cứ tiếp tục chờ đợi. Không còn cách nào khác, các ông bà cần phải đoàn kết hợp sức với nhau lại… để gây áp lực… thì chúng ta mới có thể sớm nhận được căn nhà đầy mồ hôi nước mắt của gia đình mình“.
Để việc đấu tranh được bài bản, bloger này còn đề nghị trước mắt cần thành lập một tiểu ban liên lạc, mỗi tầng một đại diện, là đại diện ở gần khu đô thị, làm nghề liên quan đến bảo vệ pháp luật như luật sư, công an, công tố viên, thẩm phán, thanh tra; công tác trong các cơ quan truyền thông, báo chí, ngân hàng… để cùng đối phó với chủ đầu tư.
Treo băng rôn, biểu tình là cách người mua nhà thường làm để đối phó với chủ đầu tư chậm triển khai dự án
Tới đưa nhau ra tòa
Đàm phán với chủ đầu tư không thành công, cuối cùng, khách hàng buộc phải kiện họ ra tòa. Điển hình, vụ bán nhà trên giấy, khách hàng dự án The Montana (quận Tân Phú, TP.HCM) đã buộc lòng phải kiện chủ đầu tư ra tòa. Đơn kiện yêu cầu chủ đầu tư là công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ may mặc – XNK Ngân Thanh phải trả lại tiền gốc và lãi cho khách hàng. Chủ đầu tư dự án trên cũng đã bị đề nghị xử phạt về hành vi bán nhà khi chưa thi công xong phần móng.
Trước đó, cuối năm 2009, nhiều khách hàng đã góp vốn mua căn hộ tại dự án căn hộ cao cấp The Montana do công ty Ngân Thanh làm chủ đầu tư với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng. Dự án sau đó ngừng triển khai. Công ty này đã trả lại cho khách hàng gần 1 tỷ, rồi không trả tiếp như đã hứa hẹn.
Tương tự, TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đang thụ lý đơn của khách hàng khởi kiện chủ đầu tư dự án căn hộ Royal là Công ty TNHH Tân Hoàng Thân.
Mâu thuẫn về lợi ích kéo dài, quyền lợi người mua nhà bị ảnh hưởng khiến họ buộc lòng phải kiện cáo với chủ đầu tư. Không phải ai cũng mong muốn điều này xảy ra, anh Đinh Văn Lập, khách hàng mua nhà một dự án ở Hà Đông cho hay, bất đắc dĩ mới phải đấu tranh, anh và những người mua dự án này đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu kiện tới chủ đầu tư cùng các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Cuối cùng, đành phải tập hợp nhau lại để cùng bày tỏ tiếng nói chung trong đấu tranh với chủ đầu tư.
Luật sư Vũ Hùng cho hay, khi quyền lợi người mua nhà bị ảnh hưởng, họ đã làm việc với chủ đầu tư bài bản hơn trước, từ việc kêu gọi những người cùng cảnh, viết đơn kiến nghị, thuê luật sư tư vấn, và nhờ cả báo chí vào cuộc. Ông Hùng cho hay, đa số các vụ tranh chấp đều là dân sự, nên có kiện ra tòa, những vụ kiện loại này nhanh nhất cũng phải mất 1-2 năm và có khi còn kéo dài hơn. Các tranh chấp, mâu thuẫn về quyền lợi giữa khách hàng và chủ đầu tư dự án thường lớn, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, do đó, việc giải quyết không hề đơn giản.
Theo ông Đỗ Quang Huy, sàn bất động sản Hapulico, việc đòi được tiền gốc đã khó nên chuyện tính lời lãi với chủ đầu tư là điều khó có thể thành. Ông Huy ví von, mua nhà bằng hợp đồng góp vốn cũng như một loại cổ phiếu nhưng có nhiều giấy tờ hơn, ngân hàng mổ xẻ trước sau đó tới cổ đông, còn người mua nhà cũng như những người cùng đầu tư khi đã ký hợp đồng xem như người cùng thuyền.
“Nước nổi thuyền nổi, gặp cơn sóng cả, người lái thuyền kinh nghiệm mới qua, không qua thì cả nhà xuống nước”, ông Huy cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhận định, việc khách hàng thành lập cộng đồng người mua để đấu tranh nếu vì mục tiêu chính đáng, tuân thủ đúng luật phát thì nên hoan nghênh. Hội này sẽ đoàn kết khách hàng lại, tạo nên sức mạnh để đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Theo ông Châu, tình huống kiện tụng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ cuối cùng nếu chủ đầu tư thiếu thiện chí hợp tác.
Theo: GoLand