15 Tháng Mười, 2012

Bất động sản trong tuần: Giảm, giảm nữa, giảm xuyên thủng đáy…

Một lần nữa, dự án từng gây ồn ào với giá sốc lại giảm giá. Mức giá mới này đưa ra là 10 triệu đồng/m2, xuyên thủng đáy giá tại Hà Nội. Theo TS AlanPhan thì phải giảm thêm 30% mới xuống đáy và giảm 30% nữa để xuyên đáy rồi mới hồi phục…

 
Giảm “sốc”
 
Trong tuần qua, thông tin dự án Đại Thanh giảm giá xuất hiện trên hàng loạt tờ báo. Từ mức giảm chỉ áp dụng cho nhân viên công ty, mức giảm này được áp dụng cho khách hàng.
 
Chung cư Đại Thanh gồm 6 tòa nhà cao 31 tầng, nằm trên mặt đường quốc lộ 70, thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội. Các căn hộ có thiết kế với phần lớn là diện tích nhỏ. Giá căn hộ trong lần mở bán hồi tháng 7 vừa qua được chủ đầu tư đưa ra trong giai đoạn một là từ 14 – 14,7 triệu đồng một m2.
 
Giá nhà dự án Đại Thanh giảm còn 10 triệu/m2
Giá nhà dự án Đại Thanh giảm còn 10 triệu/m2

Lý do của việc giảm giá này là do sau khi mở bán có giới hạn cho nhân viên, nhiều cán bộ nhân viên thì không có nhu cầu hoặc không có đủ tiền, nên chủ đầu tư quyết định bán trực tiếp cho khách hàng bên ngoài công ty.

Theo chủ đầu tư, đây là mức giá rẻ nhất mà công ty có thể giảm, song vẫn đảm bảo một mức lãi nhất định cho chủ đầu tư. “Có những dự án bán rất đắt nhưng vẫn không có lãi. Lỗ hay lãi là do việc chủ đầu tư quản lý và điều hành nó như thế nào. Nếu không để thất thoát, lãng phí thì dù bán với giá rẻ, vẫn có thể có lãi”, ông Lê Thanh Thản khẳng định.

Muốn phục hồi thì phải giảm tiếp
 
Theo TS Alan Phan, giá nhà giảm 30% nữa sẽ chạm đáy
Theo TS Alan Phan, giá nhà giảm 30% nữa sẽ chạm đáy

Trả lời trên báo Pháp luật TP. HCM, TS Alan Phan dự đoán BĐS phải xuống thêm 20%-30% nữa mới về đúng những yếu tố căn bản (cung cầu, khả năng của người mua và tâm lý chung).

Theo ông Alan thì: “ Đây là đáy bền vững. Tuy nhiên, vì BĐS chịu tác động bởi yếu tố “bầy đàn”, khi giá tăng thì tranh nhau mua vào, giá xuống thì ai cũng đợi xuống thêm. Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư đang kẹt vốn và các BĐS do ngân hàng tịch thu phải đem ra bán tháo. Từ đây sẽ tạo ra xu hướng đi xuống sâu hơn đáy. Theo kinh nghiệm về bong bóng BĐS ở các nước, sau khi xuống đáy thì phải cộng thêm 30% độ giảm vì sự xuyên đáy này. Như vậy sang quý II-2013 nó sẽ chạm đáy và hai năm tiếp sẽ xuyên đáy”

Không giảm thì bị “kiến nghị”

Năm 2010 thời điểm sốt dự án Splendora, có khách hàng “ôm” biệt thự trả tiền trao tay lên tới hàng chục tỷ. Khi giá nhà đất đi xuống, khách hàng đại diện cho 300 căn căn hộ cao cấp treo băng rôn đòi gặp chủ đầu tư với yêu cầu giảm giá…
 
Dự án Splendora đang bị khách hàng kiến nghị giảm giá
Dự án Splendora đang bị khách hàng kiến nghị giảm giá
 
Theo các khách hàng của siêu dự án tiền tỷ này thời điểm chuyển từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán, khách hàng đã bị “thúc” ký. Mãi đến hai tuần sau, khi chủ đầu tư trả hợp đồng mua bán mà hai bên thỏa thuận thì nhiều khách hàng mới “ngả ngửa”.
 
Theo lời khách hàng, có rất nhiều điều khoản bất hợp lý trong hợp đồng mua bán, tuy nhiên thời điểm 2010, khi phát hiện ra những điều bất hợp lý thì không có ai lên tiếng. Mãi hơn  gần hai năm năm, khi thị trường lao dốc không phanh, giá nhà Splendora cũng lao dốc theo thì các khách hàng này treo băng rôn “kiến nghị” với chủ đầu tư.
 
Nói về sự việc gây ồn ào tại dự án Splendora, theo cách nhìn nhận của LS Bùi Quang Hưng, VP Luật BQH và cộng sự thì khi khách hàng đồng ý đặt bút ký vào hợp đồng mua bán thì hợp đồng góp vốn hết hiệu lực.
 
“Nếu không đồng ý với những điều khoản trong hợp đồng mua bán, khách hàng hoàn toàn có thể yêu cầu chủ đầu tư thanh lý hợp đồng rút tiền về”, ông Hưng nói.
 
Dưới góc nhìn của người từng đề xuất nhiều giải pháp trong tranh chấp hợp đồng dự án, ông Hưng cho rằng bản chất vấn đề ở đây là khách hàng muốn chủ đầu tư hạ giá bán nhà để chia sẻ khó khăn. Ông Hưng cho biết, những kiện cáo chủ đầu tư hoàn thành đúng tiến độ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây thường rơi vào trước và sau các đợt đóng tiền.
Theo: Dân Trí