26 Tháng Chín, 2012

Doanh nghiệp bất động sản mở lối “tự cứu mình”

Ngoại trừ một đề xuất “chưa chính thức” mới đây của Bộ Xây dựng về việc giảm 50% thuế VAT cho người mua nhà để ở nhằm cải thiện sức mua trên thị trường bất động sản, trong gần 1 quý qua, các chính sách có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản vẫn gần như án binh bất động.


Và dường như nhận thấy chưa thể trông chờ vào các động thái của cơ quan quản lý, đặc biệt là chính sách tiền tệ, không ít doanh nghiệp bất động sản đã phải tự thân vận động mà chính xác hơn là tự cứu mình trước khi được cứu. Phương thức mà các doanh nghiệp bất động sản đưa ra trong khoảng 1 tháng trở lại đây vẫn là “chiêu” mua nhà có hỗ trợ lãi suất.

picture

 

Trước hết là việc gia hạn thời gian vay 0% lãi suất của Ngân hàng Vietcombank đối với khách hàng đăng ký mua căn hộ tại dự án Indochina Plaza Hà Nội.

Lúc đầu, Vietcombank và chủ đầu tư dự án này thông báo chỉ thực hiện trong 1 tháng, rồi 2 tháng và vừa qua lại tiếp tục gia hạn thêm nhằm kích cầu, thu hút khách hàng đến với dự án. Chưa bàn đến chuyện thanh khoản có cải thiện hay không sau khi có chương trình siêu ưu đãi nói trên, song có thể nói các doanh nghiệp đã bắt đầu biết tự cứu mình bằng những động thái vô cùng đơn giản nhất, chính là giảm giá bán.

Bởi lẽ, ai cũng hiểu, việc chủ đầu tư bắt tay với ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi thực chất là chính chủ đầu tư đã chia sẻ với khách hàng thông qua một thỏa thuận với ngân hàng trước đó. Và tất nhiên, với một dự án bất động sản thương mại đơn thuần, không có sự hỗ trợ đặc biệt thì các ngân hàng sẽ không bao giờ cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. Do vậy, không ai khác chính chủ đầu tư bất động sản phải là người đứng ra chịu thay khách hàng bù lỗ cho khoản vay ưu đãi đó.

Ngoài hợp tác với Indochina Land, Ecopark, mới đây Vietcombank lại tiếp tục rót vốn với lãi suất chỉ 6%/năm đối với khách hàng mua biệt thự tại dự án Flamingo Đại Lải Resort. Động thái hỗ trợ lãi suất của Vietcombank với dự án này cũng không khác gì với các dự án nói trên. Tức là khách hàng là người được lợi, ngân hàng cho vay được, còn chủ đầu tư chính là người phải “chịu thiệt” trong thỏa thuận này.

Tất nhiên, đổi lại dự án có thể sẽ bán chạy hơn, đồng vốn quay vòng nhanh hơn và rốt cục chưa hẳn họ đã “thiệt”. Đó cũng chính là động thái “tự cứu mình” của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp, chủ đầu tư khác lại chọn cách “tự cứu mình” rõ ràng, cụ thể hơn bằng việc giảm giá trực tiếp căn hộ. Chẳng hạn như dự án VP3 Linh Đàm của Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu, sau khi công bố giảm giá hồi tháng 7, vừa qua chủ đầu tư này lại tiếp tục giảm giá lần thứ hai từ 26 triệu đồng/m2 xuống còn 22 triệu đồng/m2. Trong khi giá công bố trong lần mở bán thứ nhất là 31 triệu đồng/m2.

Việc giảm giá trực tiếp cho khách hàng phổ biến hơn đối với các doanh nghiệp tại Tp.HCM. Mới đây, Công ty Đại Tín Á Châu và An Bình Land đã hạ giá 120 căn hộ Hoàng Anh River View (phường Thảo Điền, quận 2) từ 1.350 USD (28 triệu đồng/m2) xuống còn 18,1 triệu đồng/ m2. Với mức mới này căn hộ đã hoàn thiện sụt giá 30% so với năm 2009.

Đây là lần giảm giá thứ hai của dự án này do hai nhà đầu tư thứ cấp bán tháo căn hộ để cắt lỗ. Lần đầu tiên chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần phát triển nhà Hoàng Anh giảm giá 40% dưới hình thức bán sỉ và lẻ vào năm 2009.

Một dự án khác là Carina Plaza (Đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 8) cũng được Công ty Cổ phần dịch vụ Nhịp Cầu địa ốc giảm từ 15,5 triệu đồng xuống còn 13,2 triệu đồng/m2 đối với 150 căn hộ. Hàng loạt các dự án khác của HUD, Biconsi, Đại Nam, Mỹ Phước 3, nhà phố Gò Dầu, New Sai Gon, Belleza, Sealinks, Everrich, Carillon… cũng được Công ty Sacomreal – đại diện bán hàng công bố giảm giá bán từ 5 – 20%.

Trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ, kích cầu từ cơ quan quản lý chưa được rõ ràng, cụ thể thì việc “tự cứu mình” của các doanh nghiệp bất động sản thông qua giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu căn hộ… là giải pháp hữu hiệu nhất.

Trong khi đó, tại hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển nhà ở do Sở Xây dựng Tp.HCM tổ chức ngày 25/9, cơ quan này cho rằng một trong những giải pháp để cứu thị trường có thể xem xét là chia nhỏ diện tích căn hộ từ 80 – 100 m2 xuống còn 45 – 55 m2 để giá bán phù hợp với túi tiền của người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… với thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam nhưng có tới 90% các căn hộ với diện tích nhỏ, trong khi Việt Nam lại phần lớn là căn hộ có diện tích trên 100 m2.

Trong khi đó, tài chính của người mua nhà ở thật không nhiều, phải ky cóp từng đồng, thu nhập lại thấp, do đó mua nhà vài ba tỷ đồng là không khả thi.

Vị này chia sẻ, cách đây 2 năm, nhờ “đấu” mạnh nên Đất Lành đã xây được 800 căn hộ phần lớn có diện tích từ 40 – 50m²/căn. Trong khi đó, những dự án xung quanh xây dựng 80 – 90m²/căn, có thể chất lượng tốt hơn, giá thành bằng nhau nhưng không bán được vì tổng giá thành quá cao.

Theo: VnEconomy