11 trụ sở cơ quan bộ, ngành đang được đề xuất di dời nằm ở vị trí không phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu hoặc cơ sở vật chất đã cũ, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu phát triển, đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương (gồm các bộ: Xây dựng, Giao thông – Vận tải, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…). Tổng diện tích quỹ đất ước tính khoảng 50,81ha, trong đó diện tích của 8 cơ quan đã di dời là 3,48ha, đất của 11 cơ quan đang đề xuất di dời là 16,35ha; còn lại là quỹ đất của các cơ quan đang xem xét di dời ở giai đoạn sau. Trong khi đó, theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, thành phố đã bố trí hơn 20ha cho 8 cơ quan đã di dời và dự kiến bố trí 77ha cho 11 cơ quan đã đề xuất di dời, cụ thể gồm 27ha tại trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây và 30-50ha tại khu Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, thuộc xã Mễ Trì, Từ Liêm. Cả hai đồ án điều chỉnh quy hoạch trung tâm Tây Hồ Tây và điều chỉnh quy hoạch chi tiết Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia đang được Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì lập.
Bộ Xây dựng đã làm việc với 11 bộ, ngành, thống nhất nội dung dự thảo quy hoạch di dời trụ sở cơ quan khỏi nội đô. Vấn đề được các bộ, ngành quan tâm là quy mô diện tích bố trí xây dựng trụ sở mới, cơ chế tài chính để thực hiện di dời và giải phóng mặt bằng, việc kết nối giao thông trong khu vực lập trụ sở mới… Bộ Xây dựng cho biết, sau cuộc họp này, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội sẽ hoàn thiện quy hoạch, dự thảo tờ trình kèm bản vẽ để Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ. Liên quan đến các đối tượng di dời, trước đó, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã có văn bản đề xuất với Sở Quy hoạch – Kiến trúc không đưa vào danh mục rà soát 4 cơ quan không trực thuộc Chính phủ (Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); bổ sung danh mục rà soát 6 cơ quan là Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia, Viện Khoa học công nghệ, Viện Khoa học xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Đồng thời, Viện Quy hoạch – Xây dựng cũng cho rằng, nên đánh giá cả các cơ sở trực thuộc để có giải pháp tổng thể, tránh chồng chéo, tránh việc chuyển đổi giữa các cơ sở trực thuộc trong quá trình triển khai quy hoạch. Bởi đây cũng là những cơ sở lớn, tập trung nhiều cán bộ, có thể là một trong những yếu tố gây quá tải nội đô.
Nếu vậy thì quỹ đất sau khi các bộ, ngành di dời sẽ được sử dụng như thế nào? Câu trả lời của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội là các khu đất sau khi di dời trụ sở bộ, ngành sẽ được bố trí chức năng sử dụng phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt, trong đó ưu tiên đáp ứng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của khu vực, bố trí chức năng công cộng, tiện ích phục vụ đô thị. Cụ thể, theo đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, trụ sở Bộ Nội vụ ưu tiên làm trường học, trung tâm hành chính cấp quận, chỗ để xe, cây xanh. Trụ sở Bộ Khoa học – Công nghệ ưu tiên cho bảo tàng, viện nghiên cứu, trụ sở… Trụ sở Bộ Xây dựng ưu tiên cho trường học, cây xanh, công trình thể thao. Trụ sở Bộ Thông tin – Truyền thông ưu tiên chỗ để xe, cây xanh, trung tâm thương mại. Trụ sở Bộ Giao thông – Vận tải ưu tiên bảo tồn công trình kiến trúc Pháp có giá trị, trung tâm văn hóa, thư viện… Tuy nhiên, trong đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, ngoài các mục đích công cộng, còn mục đích sử dụng làm khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng, mặc dù mục đích sử dụng này thuộc nhóm thứ tự ưu tiên sau cùng (tại 7/19 trụ sở sau khi di dời).