30 Tháng Tám, 2012

CPI sẽ tăng 0,199% theo giá xăng dầu

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đã tăng 0,63% so với tháng 7, trong đó có tác động không nhỏ từ việc tăng giá xăng dầu liên tục trong tháng 7 và tháng 8.

Theo các chuyên gia, việc tiếp tục tăng giá xăng dầu từ 18h ngày 28/8 (cho dù với mức tăng đã được kiềm chế) nhưng nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ – tình trạng tăng giá, té nước theo mưa của các mặt hàng ăn theo giá xăng dầu – chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt tới kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiềm chế lạm phát.

CPI sẽ tăng khoảng 0,199%

Theo khẳng định của Bộ Tài chính, khi cho phép các doanh nghiệp đầu mối tăng không quá 700 đồng/lít xăng, tức là chỉ bằng khoảng 50% so với thực tế chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành (ở thời điểm trước 18h ngày 28/8), cơ quan quản lý nhà nước đã tính toán kỹ những tác động của nó tới chỉ số giá tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, mức điều chỉnh giá lần này đối với xăng là 650 đồng/lít nghĩa là chỉ tăng khoảng 1,713%. Các loại dầu khác cũng tăng ở mức thấp, do vậy mà tác động của giá xăng đến CPI của lần điều chỉnh này cũng không cao.

Ông Thỏa cũng khẳng định, nếu cố định các yếu tố khác, các mặt hàng khác để chỉ tính riêng xăng dầu tác động vào giá do lần điều chỉnh lần này thì vòng 1 – vòng tác động trực tiếp vào chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng thấp. Sau đó, ở vòng 2 – vòng giá xăng dầu tăng tác động vào các ngành khác thì tổng mức tăng CPI của 2 vòng sẽ rơi vào khoảng 0,199%.

Tuy nhiên, theo Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, thực tế xăng dầu tăng giá đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,63% so với tháng trước. So với cuối năm 2011, CPI đã tăng lên mức 2,86% và là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất. Giá xăng dầu tăng liên tiếp thời gian qua sẽ đẩy CPI tăng mạnh trong các tháng cuối năm, dẫn tới nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại.

“Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát và chống những bất ổn đặc biệt là sự lạm dụng trong vấn đề điều hành giá xăng dầu cũng như các khoản thu từ xăng dầu, không biến những khoản thu từ độc quyền của nhà nước thành những khoản thu và độc quyền của doanh nghiệp, cần chú ý đến việc giao cho doanh nghiệp được quyền chủ động tăng hoặc giảm giá.

Đồng thời, phải có những kiểm soát và những giám sát thật chặt chẽ để cho những động thái tăng/giảm phải phù hợp với xu hướng tăng/giảm của thế giới… Cũng cần phải lưu ý rằng, giá xăng dầu trên thế giới lại đang có xu hướng giảm” – TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Tác động xấu đến kiềm chế lạm phát

Theo công thức tính toán của Bộ Tài chính, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 12% như thời gian qua sẽ tác động đến lạm phát từ 1,5% – 2%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, nền kinh tế vĩ mô có thể sẽ không giữ được sự ổn định khi giá xăng dầu điều chỉnh liên tiếp.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép, nên khi đầu vào các mặt hàng thiết yếu của sản xuất tiếp tục tăng cũng có nghĩa là khó khăn sẽ chồng khó khăn. Như vậy, Nhà nước có nên đưa giải pháp để kiềm giữ giá xăng dầu hay không, dù chưa hội tụ đủ các yếu tố để phải ban hành quyết định hành chính để can thiệp?

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi chặt chẽ diễn tiến giá xăng dầu trên thế giới để điều hành giá bán xăng dầu trong nước. Đồng thời, cơ quan quản lý phải coi trọng việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ thị trường, tránh tình trạng té nước theo mưa, tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.

Theo Đại biểu Huỳnh Minh Tiếp – Phó trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Cần Thơ, cùng với các giải pháp quản lý thị trường tránh việc tăng giá ăn theo xăng dầu, cơ quan quản lý nhà nước cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc việc găm hàng đầu cơ trước giờ tăng giá của không ít cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu thời gian vừa qua, gây ảnh hưởng không tốt tới thị trường xăng dầu và tâm lý của thị trường nói chung. Bên cạnh đó cũng cần tính đến các phương án thuế nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động tăng để ổn định giá cả hàng hóa.

“Trong tình hình giá cả hiện nay, nếu để tiếp tục giá tăng lên nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Liên Bộ nên có đề xuất trình Chính phủ để có chính sách… và tham gia việc điều tiết giá để ổn định được giá cả, đảm bảo được sản xuất và đời sống của người dân trong tình hình hiện nay” – ĐB Huỳnh Minh Tiếp cho hay.

Trong khi đó, lý giải về việc giữ nguyên thuế nhập khẩu xăng dầu để điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước trong bối cảnh hiện nay, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính – ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định, lần tăng giá xăng dầu hôm 28/8 đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, trên cơ sở thực tế ngân sách, sự chia sẻ chung của cả nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động tăng, Bộ tài chính sẽ sử dụng các biện pháp tổng hợp đối với giá xăng dầu, tăng cường phối hợp với Bộ Công thương quản lý giá thị trường để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo VOV online