24 Tháng Sáu, 2010
CPI tháng 6 tăng 0,22%
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng này giảm -0.17% do nguồn cung ngoại tệ của các NHTM đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2010 tăng 0.22% so với tháng trước; so với tháng 12 năm trước tăng 4.78%So với cùng kỳ CPI tăng 8.69%; và bình quân 6 tháng đầu năm 2010 so với 6 tháng đầu năm 2009 tăng 8.75%.
Trong tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0.37%. Chỉ số giá lương thực tháng này giảm 0.83% và thực phẩm tăng 0.71%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0.59% . Việc giảm giá của lương thực được giải thích do: so với tháng 5/2010 do các tỉnh phía Bắc đang thu hoạch vụ Chiêm Xuân, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch vụ hè thu, trong khi đó nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn ở mức thấp.
Nhóm đồ uống, thuốc lá(+0.62%), đây là nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất, thời tiết nắng nóng làm cho nhu cầu về các mặt hàng đồ uống tăng cao như nước giải khát có gas tăng 0.68%, nước quả ép 0.9%, bia hơi tăng 1.92%; bia chai tăng 1.66%.
May mặc, mũ nón, giầy dép (+0.33%), nhóm này tăng chủ yếu ở các dịch vụ may mặc tăng 0.64%
Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0.01%), Chỉ số giá nhóm này trong tháng 6 đã ổn định lại do giá sắt thép xăng dầu thế giới giảm nên giá trong nước cũng giảm theo.
Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0.48%), nắng nóng diễn ra trên diện rộng có nơi lên đến 41độ nên nhu cầu về một số mặt hàng điện lạnh tăng cao làm giá các mặt hàng này tăng.
Thuốc và dịch vụ y tế (+0.21%), giá thuốc và dịch vụ y tế khá ổn định, nhưng do thời tiết nắng nóng dễ phát sinh bệnh nên nhu cầu một số mặt hàng thuốc thông thường tăng làm giá tăng theo như: thuốc kháng sinh tăng 0.29%, thuốc tiêu chảy tăng 0.18%, thuốc vitamin tăng 0.38%, thuốc cảm tăng 0.75%. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 6/2010 tăng nhẹ 0.21%.
Giao thông (-0.71%), chỉ số giá nhóm này giảm chủ yếu do giá xăng thế giới giảm nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu điều chỉnh giảm 2 đợt vào ngày 27/5/2010 và ngày 8/6/2010, giá xăng bình quân trong tháng giảm 2.5%; dầu diezen giảm 1.2%.
Bưu chính viễn thông (+0.49%), nhóm hàng này thường có xu hướng giảm nhưng tháng này lại tăng 0.49%, theo quyết định của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam tăng giá cước gửi thư và bưu thiếp vì phụ phí máy bay tăng, mỗi loại tăng 500đ tăng 25%.
Giáo dục (+0.09%), chỉ số nhóm này tăng chủ yếu do giá giấy thế giới đang tăng nên một số Công ty văn phòng phẩm cũng tăng giá các mặt hàng sách vở làm cho nhóm vở giấy viết tăng 0.47%, các nhóm khác giá khá ổn định do vào cuối năm học.
Văn hoá, giải trí du lịch (+0.36%) do giá một số tua trong nước tăng 0.66%; giá phòng khách tư nhân tăng 1.13%; giá các dịch vụ về thể thao như vé bơi tăng 1.7%…
Hàng hoá và dịch vụ khác (+0.46%), chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 3.5% do giá vàng tăng cao. Bên cạnh đó do giá giấy tăng nên các cửa hàng dịch vụ phô tô tài liệu tăng phí phô tô 1 trang từ 250đ lên 300đ/trang.
Chỉ số giá vàng (+3.09%), theo Tổng cục thống kê giá vàng thế giới trong tháng biến động thất thường, nhưng chung cả tháng vẫn tăng khá cao 3-4% so với tháng trước, nên giá vàng trong nước cũng biến động theo xu hướng thế giới, bình quân cả tháng tăng 3.09%, giá vàng 99.99% bình quân trong tháng bán ra dao động ở mức 2.760.000đ/chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ (-0.17%), điều này được Tổng cục thống kê lý giải do nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Theo Tổng cục thống kê, khu vực thành thị tháng này CPI tăng 0,31%, khu vực nông thôn tăng 0,17%.
Trong các địa phương Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế chỉ số giá tăng 0,12%; Thái Nguyên tăng 0,16%. Trong khi đó Tp Hồ Chí Minh tăng 0,35%, Hải Phòng tăng 0,37%…
Theo TCTK