“Chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh của khoảng 700 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán để thấy rằng, nếu trong giai đoạn 2008 – 2011, lợi nhuận trước thuế của họ luôn ở mức 11 – 12%, thì nửa đầu năm nay, con số này chỉ khoảng 5%. Trong khi lãi suất khó hạ xuống dưới mức 10% cho thấy động lực cho việc thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm là rất thấp và vì thế, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của năm 2013”, ông Hùng nói và nghiêng về mục tiêu tăng trưởng 5,5 – 6% trong năm tới.
Dư nợ tín dụng 8 tháng đầu năm vẫn thấp, trong khi đầu tư toàn xã hội chưa thực sự khởi sắc như kỳ vọng là lý do khiến các chuyên gia kinh tế băn khoăn về việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, cũng như khả năng đạt con số tăng trưởng cao trong năm tới – do độ trễ của chính sách. Còn theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP của 9 tháng đầu năm 2012 khoảng 4,8%; cả năm ước đạt 5,3 – 5,6%.
Về mục tiêu lạm phát của năm 2013, lo quy luật hai năm tăng, một năm giảm, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại, lạm phát năm tới có thể sẽ lên tới 2 con số. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối cùng đã đặt mục tiêu lạm phát năm 2013 bằng, hoặc thấp hơn năm 2012 (khoảng 7 – 8%).
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, mục tiêu lạm phát trong năm tới nên đặt ra ở mức một con số.
“8 tháng đầu năm 2012, lạm phát mới chỉ là 2,86%, dư địa điều hành cho cả năm còn rất lớn. 4 tháng cuối năm, nếu mỗi tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 1%, thì cả năm, lạm phát cũng chỉ khoảng 7%. Nhưng theo quy luật, năm nay, lạm phát thấp, thì năm sau lạm phát sẽ cao, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nếu đặt mục tiêu chỉ bằng, hoặc thấp hơn năm ngoái thì sẽ rất khó”, ông Thắng bày tỏ quan điểm.