Nghị quyết trên được các đại biểu HĐND Thành phố thông qua sáng 13/7.
Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 – 2015 đặt mục tiêu tổng quát là nhằm tập trung triển khai đồng bộ quyết liệt một số nội dung và dự án đầu tư để giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại một số nút giao thông, một số tuyến đường trên địa bàn Thành phố, nhất là khu vực từ vành đai 3 trở vào và trên các trục đường hướng tâm, từng bước thực hiện theo đúng lộ trình, chỉ tiêu của quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Góp phần nâng cao rõ rệt ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân; Phát triển vận tải hành khách công cộng để thu hút và tạo thói quen sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Đồng thời, thiết lập lại kỷ cương trật tự trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là trong công tác quản lý vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông, quản lý vận tải và quản lý các bến, bãi đỗ xe; Tạo được sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và bền bỉ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền, các đoàn thể và các Bộ, Ngành có liên quan.
Mục tiêu cụ thể được Hà Nội đặt ra là giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại trong giai đoạn 2012-2015 và duy trì không để phát sinh điểm ùn tắc mới trên địa bàn Thành phố.
Chương trình sẽ bao gồm việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tổ chức quản lý và điều hành giao thông; giải tỏa hành lang an toàn giao thông, giải tỏa việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; giải quyết cục bộ một số điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng…
Đáng chú ý, về tổ chức quản lý và điều hành giao thông, Thành phố sẽ đầu tư thực hiện dự án nâng cấp Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi để nâng cao hiệu quả tổ chức điều hành giao thông nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Cải tạo, lắp đặt hệ thống camera tại 200 nút giao nhằm giám sát tình trạng ùn tắc giao thông, tình trạng vi phạm của phương tiện để phục vụ cho việc xử lý các vi phạm bằng hình ảnh.
Đồng thời, xây dựng bản đồ điện tử kỹ thuật số để theo dõi, đánh giá tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố theo thời gian thực (nhất là khu vực trong vành đai 3 và các trục giao thông hướng tâm) nhằm kịp thời tổ chức và điều hành giao thông cho phù hợp, giảm thời gian ùn tắc kéo dài.
Thành phố sẽ thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, thống kê cập nhật số liệu về điểm ùn tắc giao thông để phục vụ cho công tác quản lý; Tiếp tục nghiên cứu, rà soát các tuyến đường, các nút giao thông có nguy cơ ùn tắc cao, các điểm đen có nguy cơ gây mất an toàn giao thông để xác định nguyên nhân và có giải pháp tổ chức giao thông, giải pháp cải tạo sửa chữa và nâng cấp cho phù hợp như tổ chức lắp đặt đèn điều khiển tín hiệu điều khiển giao thông độc lập tại một số nút có mật độ phương tiện qua lại cao, kết hợp với lắp đặt camera giám sát giao thông có kết nối với Trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông chung của Thành phố; cải tạo, sửa chữa mặt đường, vỉa hè tại một số nút giao, một số tuyến đường và một số vị trí giao cắt với đường sắt để nâng cao năng lực thông hành, giảm ùn tắc giao thông; tiếp tục tổ chức phân làn tách dòng phương tiện trên một số tuyến đường chính có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao và có đủ điều kiện về mặt cắt (đường một chiều, đường đôi, đường có đủ 4 làn xe…), đảm bảo các dòng phương tiện đi lại có trật tự, đồng thời tạo thói quen trong đi lại, từng bước nâng cao ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông…
Để khai thác tối đa hiệu quả của mạng lưới đường dọc hai bên bờ các sông Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu, Sét và nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông do quá tải tại một số vị trí cầu cũ bắc qua các sông trên, Thành phố sẽ triển khai xây dựng bổ sung một số cầu kết cấu thép lắp ghép tải trọng nhẹ để mở rộng mặt cắt ngang cầu cũ cho phương tiện xe máy, xe đạp hoặc cho cả xe ô tô con qua lại…
Về giải quyết cục bộ một số điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng, Thành phố sẽ xây dựng 8 cầu vượt kết cấu thép tại một số nút giao thông quan trọng thường xuyên ùn tắc như nút Kim Mã – Liễu Giai (Daewo), nút Bạch Mai – Đại Cồ Việt, nút Nguyễn Chí Thanh, nút Lê Văn Lương, xây dựng cầu cho người đi bộ qua đường khu nhà ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Xây dựng bổ sung thêm cầu mới cạnh cầu cũ để tăng năng lực thông hành chống ùn tắc giao thông tại vị trí các cầu: Cống Mọc, cầu Yến Vĩ, cầu Mỹ Hưng…
Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn 2012-2015 là 1.944 tỷ đồng.
Kinh phí này sẽ được dành để ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng nằm trong Nghị quyết số 11/2011/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố, Kế hoạch số 54 – KH/TU ngày 27/4/2014 của Thành ủy và Kế hoạch số 81/KH-UBND của UBND Thành phố, trong đó cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giám sát tiến độ các dự án sau:
Xây dựng các tuyến đường vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái, Hoàng Cầu – Voi Phục); đường vành đai 2 (đoạn Nhật Tân – Bưởi – Cầu Giấy; đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng – cầu Vĩnh Tuy); đường vành đai 2,5 (đoạn Đền Lừ – Kim Đồng – Đầm hồng – Nguyễn Trãi); đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch – Pháp Vân và mở rộng đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long – Nội Bài;
Xây dựng và mở rộng các tuyến đường hướng tâm: quốc lộ 32 (Diễn – Nhổn); quốc lộ 1 (đoạn từ Văn Điển đến Ngọc Hồi ); quốc lộ 6 (đoạn Ba La – Chúc Sơn); quốc lộ 1 cũ (đường Hà Huy Tập);
Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các tuyến đường trục chính đô thị: đường Văn Cao – Hồ Tây, Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng, Tôn Thất Tùng kéo dài đến vành đai 3, Kim Mã – Trần Phú, Núi Trúc – Sơn Tây; Liễu Giai – Núi Trúc; đường 70…;
Tập trung xây dựng các bãi đỗ xe trong khu vực nội đô, các bãi đỗ xe lắp ghép cao tầng, xếp dỡ tự động bằng nguồn vốn xã hội hóa tại một số khu vực thích hợp và tại các khu dân cư, khu đô thị nhằm giải quyết ngay nhu cầu đỗ xe tại các khu vực này;
Đầu tư xây dựng các bến xe: từng bước di chuyển các bến xe ra ngoài trung tâm Thành phố, không để xe ô tô khách ngoại tỉnh qua thành phố vào bến xe nội đô;
Thực hiện không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô theo quy hoạch. Từng bước di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện… ra ngoài trung tâm Thành phố theo đúng lộ trình quy hoạch và ưu tiên bố trí quỹ đất này dành cho giao thông.
Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị
Cũng trong sáng 13/7, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Các chỉ tiêu cụ thể của Quy hoạch như sau:
Về hạ tầng giao thông: Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng đô thị để đảm bảo tỷ lệ đất giao thông khu vực đô thị trung tâm chiếm 20% – 26% đất xây dựng đô thị; đô thị vệ tinh chiếm 18% – 23% đất xây dựng đô thị; các thị trấn chiếm 16% – 20%.
Các chỉ tiêu về mật độ mạng đường trong đô thị cần đạt được gồm: tính đến đường cao tốc đô thị 0,25 – 0,4; tính đến đường trục chính đô thị 0,5 – 0,83, tính đến đường trục đô thị 1,0 – 1,5; tính đến đường liên khu vực 2,0 – 3,3 và tính đến đường chính khu vực 4,0 – 6,5.
Chỉ tiêu về mật độ mạng lưới giao thông công cộng đạt từ 2 – 2,5 km/km2 diện tích đất xây dựng đô thị. Chỉ tiêu diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3-4% diện tích đất xây dựng đô thị.
Về vận tải hành khách công cộng: Tập trung ưu tiên cho phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm năm 2020 chiếm 35% tổng lượng hành khách, năm 2030 khoảng 50-55%, sau 2030 đạt 60-65%; các đô thị vệ tinh năm 2020 chiếm 20%; năm 2030 khoảng 40%, sau 2030 đạt tối đa 50%.
Liên quan đến quy hoạch hạ tầng đường sắt, đường sắt đô thị và xe buýt nhanh, Thành phố dự kiến quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đi qua khu vực thành phố Hà Nội sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, đi song song với đường sắt thống nhất hiện tại, có xem xét tránh khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên và kết thúc phạm vi Hà Nội sau khi đi qua địa phận huyện Phú Xuyên.
Hà Nội sẽ xây dựng 5 cầu cho đường sắt đô thị qua sông Hồng
Mạng lưới đường sắt Quốc gia sẽ gồm các tuyến đường sắt vành đai và các tuyến đường sắt hướng tâm (5 tuyến).
Về mạng lưới đường sắt ngoại ô, Hà Nội sẽ tổ chức các tuyến đường sắt ngoại ô bằng cách sử dụng chung hạ tầng với các tuyến đường sắt Quốc gia để kết nối Hà Nội với các đô thị trong khu vực xung quanh.
Hệ thống đường sắt đô thị sẽ bao gồm 8 tuyến:
Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Ga trung tâm Hà Nội – Yên Viên, Như Quỳnh;
Tuyến số 2: Nội Bài – Nam Thăng Long – Thượng Đình – Vành đai 2,5 – Hoàng Quốc Việt;
Tuyến số 2A: Cát Linh – Ngã tư Sở – Hà Đông;
Tuyến số 3: Trôi – Nhổn – ga Hà Nội – Hoàng Mai;
Tuyến số 4: Mê Linh – Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – VĐ2,5- Cổ Nhuế -Liên Hà;
Tuyến số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Đại lộ Thăng Long – Vành đai 4;
Tuyến số 6: Nội Bài – Phú Diễn – Hà Đông – Ngọc Hồi;
Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới Nhổn, Vân Canh, Dương Nội với chiều dài 27.63km, tuyến đi cao với tổng số 23 ga và 1 đề pô;
Tuyến số 8: Sơn Đồng – Mai Dịch – Vành đai 3- Lĩnh Nam – Dương Xá. Tuyến này giai đoạn đầu khai thác đường sắt đô thị từ Sơn Đồng – Mai Dịch tới trung chuyển với tuyến số 2. Đoạn Mai Dịch tới Dương Xá giai đoạn đầu sử dụng xe buýt nhanh. Khi lưu lượng tăng lên sẽ xây dựng đường sắt đô thị.
Về cầu đường sắt qua sông Hồng, Thành phố sẽ xây dựng 5 cầu cho đường sắt đô thị qua sông Hồng gồm: cầu Long Biên mới (tuyến số 1), cầu Nhật Tân (tuyến số 2), cầu Vĩnh Tuy (tuyến số 4), cầu Thượng Cát (tuyến số 7), cầu Lĩnh Nam (tuyến số 8).
Về mạng lưới xe buýt nhanh (BRT), Thành phố quy hoạch 9 tuyến xe buýt nhanh gồm: (1) Kim Mã – Lê Văn Lương – Bến xe Yên Nghĩa, chiều dài 14,3km; (2) Lê Trọng Tấn – trục Hà Đông Xuân Mai – Thạch Bích – Chúc Sơn, chiều dài 17km; (3) Ngọc Hồi – Phú Xuyên (đi theo QL1 cũ), chiều dài 27,1km; (4) Tây Thăng Long, chiều dài 27km; (5) Phù Đổng – Kiêu Kị, chiều dài 15,7km; (6) Gia Lâm – Mê Linh, chiều dài 29,8km; (7) Vành đai 4, chiều dài 53,2km; (8) Mỹ Đức – Phú Xuyên, chiều dài 27,6km; (9) Xuân Mai – Mỹ Đức, chiều dài 30,3km.
Tổng diện tích đất dành cho giao thông trên toàn thành phố sẽ là 33.237 ha và dự kiến tổng nhu cầu vốn cho toàn giai đoạn từ nay đến 2030 là gần 1.145.044 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2013-2015 là 171.261,27 tỷ đồng, giai đoạn 2015-2020 là 473.328,57 tỷ đồng.