1 Tháng Tám, 2012

FDI thiếu vắng những dự án tỷ USD

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến tháng 7/2012,Việt Nam đã có thêm 584 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD,bằng 55,9% so với năm 2011.

Cùng với đó có 231 lượt dự án đăng ký tăng vốn, với vốn tăng thêm là 2,83 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2011.

Như vậy, tính chung cả vốn cấp mới và đăng ký thêm, tính đến tháng 7 các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,03 tỷ USD, bằng 66,9% so với cùng kỳ 2011.

Cũng trong 7 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 6,25 tỷ USD, bằng 99,2% so với cùng kỳ 2011.

Mặc dù số vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2012 vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số 8,03 tỷ USD vốn FDI trong 7 tháng đầu năm đã cho thấy tình hình thu hút FDI dấu hiệu tích cực hơn nhiều so với con số 6,384 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2012.

Nếu như “tốc độ” này được giữ vững từ nay đến cuối năm thì thu hút FDI sẽ đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm là thu hút khoảng 15-17 tỷ USD trong năm 2012.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, trong số các lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam thời gian qua, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 258 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,50 tỷ USD, chiếm 68,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng đầu năm.

Tiếp theo lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 7 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,61 tỷ USD, chiếm 20,1%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửaa chữa với 102 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 314,2 triệu USD, chiếm 3,9% tổng vốn đầu tư thu hút trong 7 tháng đầu năm 2012.

Một điều đáng lưu ý là, các dự án FDI đầu tư tại Việt Nam trong năm 2012 chủ yếu là những dự án có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vắng những dự án tỷ đô. Cụ thể, trong số 584 dự án được cấp mới trong 7 tháng đầu năm chỉ có duy nhất 1 dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đó là dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương của nhà đầu tư Nhật Bản.

Ngoài ra, có 55 dự án quy mô từ 10 triệu USD trở lên, phần lớn các dự án này tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản. Còn lại, có khá nhiều các dự án nhỏ và siêu nhỏ trong 7 tháng đầu năm với 111 dự án, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ, tư vấn, kinh doanh thương mại và sản xuất phần mềm.

Tính từ đầu năm đến nay đã có 49 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản vẫn là quốc gia dẫn đầu với số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,29 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn FDI thu hút trong 7 tháng đầu năm; Samoa đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 889,8 triệu USD, chiếm 11,1% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 607,2 triệu USD…

Theo VEN.vn