10 Tháng Tám, 2012
Hà Nội “Đại công trường”… bỏ hoang
Sau thời gian biến thành “đại công trường” về xây dựng, Hà Nội nay đang trở thành “đại công trường bỏ hoang” khi số lượng nhà hoang, đất hoang đầy rẫy.
Một khu đất chưa xây dựng tại Mễ Trì – Từ Liêm (Hà Nội).
Sau khi bị Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TP “điểm mặt, chỉ tên”, mới đây nhất, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp tục có các biện pháp quản lý và xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm về đất đai.
Đầu tháng 7-2012, báo cáo của UBND TP Hà Nội về số lượng dự án bỏ hoang trên địa bàn TP khiến không ít người giật mình về mức độ “hoành tráng”. Ngay tại những vị trí đắc địa nhất của TP, số lượng đất hoang được đánh giá là la liệt.
Trong khi các DN xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đau đầu với vấn đề đất sạch thì kết quả kiểm tra về tình trạng các “khu đất vàng” bị bỏ hoang trên địa bàn 4 quận, huyện Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm cho thấy, trong tổng số hơn 30 khu đất được kiểm tra với diện tích gần 500.000m2 có trên 15 khu đất trống, chưa sử dụng với diện tích khoảng 309.368m2 và 6 dự án sử dụng sai mục đích với diện tích lên tới hơn 107.000m2.
Đáng ngạc nhiên là đa phần các dự án này đều thuộc các doanh nghiệp tên tuổi như Vinaconex, Vietcombank, Hancinco, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà…
Trong đó, mảnh đất hoang lớn nhất lên đến hơn 132.000m2 trên đường Hoàng Minh Giám của CTCP Tập đoàn Vina Megastar. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Từ Liêm chiếm vị trí “á quân” với mảnh đất trống gần 70.000m2 dự định xây khách sạn 5 sao. Vinaconex cũng có một mảnh đất bỏ không với diện tích lên tới gần 51.000m2 tại quận Cầu Giấy.
Không chỉ bỏ hoang đất, không ít chủ đầu tư này còn chây ì các nghĩa vụ về đất với TP Hà Nội. Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh, nhà đầu tư BĐS trên địa bàn hiện đang nợ khoản tiền khổng lồ hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó có đóng góp không nhỏ của các dự án đang bỏ hoang kể trên.
Tình cảnh này dường như còn khủng khiếp hơn tại các khu vực ngoại vi, nơi vài năm trước, các dự án xây dựng khu đô thị mọc lên như nấm trên đất ruộng.
Dọc Quốc lộ 32 hay đại lộ Thăng Long, có thể dễ dàng nhìn thấy số lượng đất bỏ hoang không còn ở phạm vi hàng nghìn m2 mà đã lên tới cả… cánh đồng. Sau giai đoạn ồ ạt lấy đất nông nghiệp để dành cho các dự án nhà ở, kinh tế khó khăn đã khiến các khu đô thị không thể mọc lên mà người nông dân cũng không thể tiếp tục cày cấy trên những cánh đồng một thời là “bờ xôi ruộng mật”.
Một diện tích đất khổng lồ bị bỏ hoang bởi những dự án không thể triển khai, đang chờ những hành động quyết liệt của UBND TP Hà Nội theo Nghị định 42.
Theo ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), vị trí nào đất đẹp nhất, đắc địa nhất đều là của cơ quan hành chính, đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty. Chưa kể một số bộ, ngành có tâm lý chây ì và cố giữ đất.
Theo ông Cường, nguyên nhân của tình trạng này là khi nền kinh tế chuyển dịch cơ chế, việc chuyển đổi công năng tài sản trên đất không theo kịp chức năng nhiệm vụ. Một nguyên nhân khác là mục tiêu hình thành nên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực đã góp phần định hướng các “ông lớn” chú tâm vào lĩnh vực BĐS do địa tô chênh lệch cao.
Ngoài sự hoang hóa về đất, Hà Nội cũng đang đau đầu với số lượng nhà hoang không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên theo đà ảm đạm của thị trường BĐS.
Các chuyên gia BĐS khẳng định việc thu hồi đất, nhà hoang đều trong “tầm tay” của TP Hà Nội. Tuy nhiên, thành công đến mức độ nào còn phụ thuộc vào quyết tâm của TP.
Trong điều kiện giá nhà dù xuống thấp nhưng vẫn còn chưa đáp ứng đại bộ phận dân cư thì sự hoang phế của đất đai đồng nghĩa với việc lãng phí tài sản là việc làm không thể chấp nhận.
Theo báo DĐDN