Người dân tái định cư vừa có thêm hình thức hỗ trợ từ thành phố Hà Nội
|
Đáng chú ý, các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng chính sách trên sẽ trả dần số tiền mua nhà còn thiếu trong 10 năm. Cụ thể, về đối tượng áp dụng, các trường hợp có đủ điều kiện mua nhà TĐC khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố nhưng tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất và nhà ở trên đất nhỏ hơn số tiền mua nhà TĐC phải nộp, có nguyện vọng được trả dần số tiền chênh lệch còn thiếu theo quy định của thành phố.
Về việc thanh toán số tiền còn thiếu, quy định nêu, số tiền nhà được phép trả dần được tính lãi suất bằng 0,3%/tháng (thấp hơn lãi suất cho các đối tượng ưu tiên đặc biệt vay theo quy định hiện hành của UBND TP). Thời gian trả dần số tiền mua nhà còn thiếu là 10 năm tính từ ngày quyết định bán nhà TĐC của UBND thành phố; Mỗi năm hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thanh toán một phần số tiền mua nhà còn thiếu bằng 1/10 số tiền được phép trả dần cộng với lãi suất theo quy định; Trong trường hợp các hộ gia đình, cá nhân thanh toán trước thời hạn số tiền mua nhà phải trả dần cho các năm còn lại thì được giảm 10% số tiền mua nhà phải thanh toán.
Quy định mới cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội có trách nhiệm, phối hợp với UBND quận (huyện) làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo quy định. Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân được UBND thành phố cho phép mua nhà theo hình thức trả dần (10 năm) mà không thực hiện việc thanh toán đủ số tiền phải nộp theo hợp đồng bán nhà đã ký liên tục 2 năm kể từ ngày có quyết định bán nhà hoặc trường hợp hết thời hạn trả dần (10 năm) mà các hộ gia đình, cá nhân không thanh toán hết số tiền mua nhà phải trả thì công ty có trách nhiệm báo cáo UBND TP quyết định chuyển sang hình thức thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Số tiền mua nhà mà hộ gia đình, cá nhân đã trả sẽ được trừ dần vào tiền thuê nhà. Các trường hợp này cũng sẽ không được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nghị định 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ. Quy định mới có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký (4-7).
Theo Sở Xây dựng, Hà Nội đang thực hiện hơn 1.000 dự án đầu tư có liên quan đến thu hồi đất GPMB, nhiều gấp 3 lần trước khi mở rộng địa giới hành chính. Các dự án này liên quan đến 200.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhu cầu cần phải bố trí TĐC cho khoảng 20 nghìn hộ gia đình. Để đáp ứng nhu cầu khổng lồ này, từ năm 2000 đến nay, TP Hà Nội đã triển khai 80 dự án đầu tư xây dựng nhà ở TĐC với trên 20.200 căn hộ.
Theo An Ninh Thủ Đô