26 Tháng Mười, 2012
Kiến nghị hàng loạt giải pháp cứu thị trường bất động sản
Tại buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo bộ xây dựng và các doanh nghiệp ngành xây dựng bất động sản khu vực Hà Nội do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 25/10, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cho hay, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn do giá thành quá cao, lãi suất ngân hàng đã chiếm 50% giá thành xây dựng. Chính sách tín dụng khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thực tế theo ông Thành, “chẳng có nhà băng nào cho vay cả”. “Tôi làm nhà thu nhập thấp mà riêng lãi suất đã chiếm 20%, chưa nói đến tín dụng đen tín dụng đỏ”, ông Thành chia sẻ.
Bản thân doanh nghiệp của ông đang có “nợ đẹp”, song nếu tiếp tục diễn ra tình trạng ngân hàng không cho vay thì số nợ trên sẽ thành nợ xấu. Ông Thành chia sẻ, khi đã đầu tư 300 tỷ nhưng nếu không tiếp tục rót vốn, dự án sẽ không thể triển khai. Trong trường hợp có quỹ đất nhưng chưa đủ tiền xây chung cư thì doanh nghiệp rất muốn xây nhà hàng để đỡ phí nhưng không biết làm sao vì không có quy trình.
|
Bộ Xây dựng cam kết sẽ phối hợp cùng UBND thành phố tính toán lại, đưa ra các chính sách trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp |
Đồng tình quan điểm trên, ông Đoàn Văn Bình Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư CEO cho rằng cần có giải pháp cấp bách cứu thị trường bởi địa ốc đang ở tình trạng vô cùng khó khăn. Bản thân ông đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp chỉ làm 2 ngày và trả lương đúng 2 ngày, thậm chí có những doanh nghiệp suốt cả năm 2011 không bán được sản phẩm nào dù đã hoàn thiện “sổ đỏ”, hạ giá bán cũng không xong. Doanh nghiệp tự cứu mình bằng xin chuyển xuống diện tích nhỏ, rồi từ chung cư xuống thấp tầng nhưng Hà Nội lại vướng quy hoạch phân khu nên “tắc vẫn chưa được thông”.
Cho rằng “cứu bất động sản là cứu nền kinh tế, cứu người dân”, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định cần có các giải pháp cấp bách. Bộ sẽ cùng các cơ quan của Chính phủ và thành phố Hà Nội nghiên cứu cơ chế cho phép một số dự án điều chỉnh lại kết cấu theo hướng chia nhỏ các căn hộ nhằm giảm giá thành sản phẩm. Chính phủ đưa ra các cơ chế giúp doanh nghiệp triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội.
Bất động sản, ngành xương sống của nền kinh tế đang gặp khó khăn, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng là do phát triển tự phát, xuất hiện hiện tượng có đất là làm dự án. Khi có đất rồi mới làm quy hoạch 1/2000 rồi 1/500. Doanh nghiệp đua xây căn hộ cao cấp sang trọng để đánh bóng thương hiệu trong khi đại bộ phận người dân cần sản phẩm khiêm tốn, quy mô nhỏ. “Ngày xưa chúng ta café chứng khoán, ăn, ngủ chứng khoán. Bất động sản cũng như thế, đâu đâu cũng thấy, nhưng chủ yếu là đầu cơ mua đi bán lại chứ không đến tận tay người tiêu dùng”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng 20.000ha đất đã giao cho các dự án nhưng nhiều trường hợp chưa xong hạ tầng, chưa khởi công và đây chính là điều may mắn vì “nếu không tiền vào vất động sản sẽ rất lớn”. Đối với những diện tích đã thu hồi đất nhưng chưa triển khai xây dựng có thể kiến nghị cho người dân mượn lại đất để sản xuất, tránh lãng phí.
Ngoài ra, một trong các giải pháp cần thiết là phải mở van tín dụng không chỉ cho nhà đầu tư mà cho người mua nhà, ngoài ra giảm thuế VAT để giảm giá bán xuống. “Tôi gọi điện cho anh Bình, anh Bình rất thống nhất để ‘cứu’ thị trường bất động sản’. Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán để có lãi suất và điều kiện vay phù hợp… Anh Bình nói, tháo gỡ 100.000 tỷ cho bất động sản thì coi như xong”, ông Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho hay, địa ốc đang ở giai đoạn khó khăn, có thể đâu đó có chuyện khó vay nhưng doanh nghiệp cũng nên xem lại vì những đơn vị quản lý kém, lại nọ chồng lãi kia thì ngân hàng phải thận trọng. Tuy nhiên, bất động sản là nút thắt của nền kinh tế nên trong trường hợp các đối tượng đầu tư muốn vay vốn, Ngân hàng sẵn sàng tích cực hỗ trợ. Lãnh đạo ngân hàng Nhà nước hứa sẽ dành một khoản vốn hỗ trợ để thị trường có thể luân chuyển.
“Thị trường đang đối mặt với việc dư cung rất lớn, do đó bản thân các doanh nghiệp phải cơ cấu lại rổ hàng hóa lộn xộn, doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách hạ giá bán”, ông Mạnh nói.
Bộ trưởng Dũng cho biết sẽ phối hợp cùng UBND thành phố tính toán lại, đưa ra các chính sách trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Tháo gỡ khó khăn cho bất động sản cũng là để người nghèo có nhà. Doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản phẩm, đẩy mạnh việc xây nhà cho người thu nhập thấp”, ông Dũng nói.
Theo: VNExpress