10 Tháng Bảy, 2012

Kinh tế Thủ đô năm 2012: Hai kịch bản và những giải pháp

Nửa đầu năm nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, điển hình trong đó là những bất ổn kéo dài của kinh tế thế giới; nhu cầu tiêu dùng suy giảm; lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao; nhiều DN có lượng hàng tồn kho lớn, khó tiêu thụ sản phẩm… Trong bối cảnh đó, kinh tế Hà Nội 6 tháng đầu năm 2012 là bức tranh đa sắc màu với những mảng sáng và những gam màu xám đan xen.

Những điểm sáng và những gam màu xám

Kinh tế Hà Nội vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế tăng, GRDP 6 tháng đầu năm 2012 tăng 7,60% (bằng 1,74 lần so với mức tăng trưởng GDP của cả nước 6 tháng đầu năm là 4,38%). 6 tháng đầu năm 2012, giá trị gia tăng (GTGT) ngành dịch vụ tăng 8,5%, GTGT ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng 8,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 20,7%, trong đó bán lẻ tăng 20,3%…

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Sumitomo (KCN Thăng Long). Ảnh: Yến Ngọc

Hoạt động xuất – nhập khẩu có chuyển biến tích cực. Xuất khẩu có xu hướng phục hồi từ quý II (xuất khẩu quý II tăng 13,7%, quý I giảm 0,4%); tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trên địa bàn 6 tháng đạt 4.860 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2011. Có 8/11 ngành hàng có KNXK tăng, trong đó KNXK một số ngành hàng chủ lực tăng cao, có tác động tốt đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP, như điện tử tăng 23,2%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 34,5%; dây điện và dây cáp điện tăng 32,6%…

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đạt 11.500 triệu USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ 2011. Nhập siêu 6 tháng đầu năm: 6.640 triệu USD, mức thấp trong 3 năm gần đây. CPI của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2012 thấp hơn nhiều so với chỉ số cùng kỳ của 6 tháng đầu năm 2011 (2,57% so với 11,60%). CPI đang trong xu hướng hạ nhiệt đã tạo thuận lợi và dư địa rộng hơn cho việc điều hành chính sách vĩ mô. Ngoài ra, an sinh xã hội trên địa bàn cũng được bảo đảm; 6 tháng đầu năm đã tạo được 72.000 việc làm mới (đạt 52% kế hoạch năm), giảm 10.588 hộ nghèo (đạt 46,5% kế hoạch năm 2012).

Bên cạnh điểm sáng là những gam màu tối, trong đó GTGT của ngành nông nghiệp giảm 2,9%. Thời tiết không thuận lợi là nguyên nhân làm tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân giảm 13,1% so cùng kỳ. Mặt khác chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất, hiệu quả của ngành nông nghiệp khiến giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 duy trì được ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2011 nhưng giá trị tăng thêm giảm.

Hoạt động SXKD của các DN khó khăn, số DN ngừng hoạt động có xu hướng tăng. Tính đến hết tháng 5-2012, trên địa bàn Hà Nội có 7.745 DN ngừng hoạt động, trong đó 1.182 DN giải thể và chờ làm thủ tục giải thể, 2.713 DN bỏ kinh doanh… Các DN đang sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; lượng hàng tồn kho lớn là nguyên nhân làm cho một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm sản lượng, như ô tô lắp ráp giảm 56,9%; động cơ điện giảm 37,7%; máy công cụ giảm 37,3%… Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao gây khó khăn cho DN. Mặc dù trần lãi suất huy động ngắn hạn đã giảm xuống 9%/năm (ngày 11-6), trần lãi suất cho vay với một số lĩnh vực đã được ấn định ở mức 13%/năm nhưng vẫn cao so với khả năng của DN.

Dự báo và giải pháp cho 6 tháng cuối năm

Trong xu thế kinh tế chung của thế giới và đặc điểm của kinh tế Việt Nam, dự báo hai kịch bản về kinh tế Hà Nội cho 6 tháng cuối năm như sau: Thứ nhất, bối cảnh kinh tế trong, ngoài nước diễn biến tích cực, Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ và các chính sách tài khóa hợp lý (CPI trên địa bàn Hà Nội ở mức tăng 8-10%), kinh tế Hà Nội sẽ tăng trưởng khá hơn trong quý III, IV-2012, mức tăng trưởng kinh tế có thể tiệm cận mục tiêu theo kế hoạch năm 2012 (khoảng 8-9%). Thứ hai, nếu kinh tế thế giới tiếp tục bất ổn, nợ công khu vực đồng tiền chung Châu Âu không được xử lý; những khó khăn nội tại của kinh tế trong nước chậm khắc phục, các DN tiếp tục gặp khó khăn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nợ xấu ngân hàng chưa được xử lý… Với bối cảnh này, kinh tế Hà Nội 6 tháng cuối năm 2012 chỉ giữ được mức tăng trưởng như 6 tháng đầu năm.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Nội trong 6 tháng cuối năm, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, phải thúc đẩy tăng tổng cầu của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế chậm và đình trệ sản xuất trong nửa đầu năm 2012 có nguyên nhân chủ yếu từ phía cầu, do đó cần phải làm tăng tổng cầu, nhất là tăng tổng cầu từ các dự án đầu tư có hiệu quả của các thành phần kinh tế. Cũng cần chú ý giải pháp tăng tổng cầu không đồng nhất với kích cầu tiêu dùng. Để bảo đảm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì không nên thực hiện kích cầu tiêu dùng như năm 2009. Mở rộng các quỹ, các hoạt động cho vay tiêu dùng hợp lý, không nên giới hạn chỉ mua nhà mà có thể cho vay mua những mặt hàng tiêu dùng khác hợp lý.

Bên cạnh đó cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Hỗ trợ DN xử lý cả đầu vào và đầu ra. Thực hiện các biện pháp cho gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT; gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập DN; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 với một số tổ chức và DN. Phát huy mạnh hơn vai trò của các quỹ thuộc TP trong hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.

Thực hiện cân đối ngân sách năm 2012, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ và giải ngân các dự án đầu tư, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, cụm công trình trọng điểm của TP. Tăng cường giám sát, quản lý nhằm nâng cao chất lượng các công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm đúng chính sách chế độ, đúng đối tượng và kịp thời. Khuyến khích người dân dùng hàng nội địa, sử dụng sản phẩm của nhau trong nội bộ nền kinh tế; xây dựng lộ trình giảm nhập siêu theo thời gian và cho một số lĩnh vực. Phối hợp linh hoạt các giải pháp thắt chặt tín dụng, quản lý thị trường và quản lý giá một số mặt hàng nhạy cảm, tăng cường dự trữ và bán hàng bình ổn giá…

Theo báo HNM