Trong vòng 1 tháng qua, giá xăng đã giảm liên tiếp 3 lần với tổng số tiền giảm là 1.900 đồng/lít (hôm 9/5 giảm 500 đồng/lít, 23/5 giảm 600 đồng và 7/6 mới đây giảm tiếp 800 đồng/lít). Lãi suất ngân hàng cũng giảm mạnh, tỷ giá USD tương đối ổn định… Những yếu tố này khiến các chuyên gia cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 có thể ở mức thấp.
Mới đây, Tổ điều hành Thị trường trong nước đưa ra dự báo CPI tháng 6 có thể chỉ tăng 0,1 – 0,2% do nhiều yếu tố giá trên các thị trường hàng hóa quan trọng đang diễn biến khá ổn định, trong khi sức mua hàng hóa chưa cao.
Theo phân tích của Tổ điều hành, mặc dù lương cơ bản đã tăng từ ngày 1/5, nhưng giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh giảm trong một tháng qua và lãi suất giảm, tỷ giá USD ổn định, giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới đang trong xu hướng ổn định, khiến giá cả hàng hóa trong nước không bị tác động lớn, nhất là nhóm lương thực, thực phẩm.
Đánh giá diễn biến thị trường hàng hóa, Tổ điều hành cũng lưu ý rằng, giá gạo thế giới sẽ còn chịu áp lực giảm do sản lượng toàn cầu vượt tiêu thụ. Điều này kéo theo giá lúa gạo trong nước cũng sẽ giảm nhẹ hoặc tương đối ổn định thời gian tới do nhu cầu nhập khẩu chậm lại.
Các nguyên nhân trên là lý do Tổ điều hành Thị trường trong nước cho rằng CPI tháng 6 có thể chỉ tăng 0,1 – 0,2%. Khi đó, CPI tháng 6 sẽ tăng khoảng 3% so với tháng 12/2011 và tăng 7,3 – 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Các chuyên gia cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 có thể ở mức thấp.
|
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 có thể tăng ở mức 0,2 – 0,3% so với tháng trước đó. Các nguyên nhân thì cũng giống như Tổ điều hành Thị trường đã nêu ở trên. “Năm nay, lạm phát tính theo tháng thấp, nên lạm phát tính theo năm cũng sẽ thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Với tình hình này, theo tôi đến cuối quý 3, lạm phát sẽ chỉ ở mức 5 – 6% và lạm phát cả năm 2012 sẽ ở mức 7 – 8%”, ông Thành nói.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, CPI trong tháng 6 sẽ chỉ tăng khoảng 0,2%. Và mức lạm phát cả năm 2012 có thể nằm trong ngưỡng kỳ vọng mà Chính phủ đề ra là từ 8,4% tới 9,5%.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng cho hay, chỉ cần nhìn vào con số lạm phát 5 tháng đầu năm cũng có thể khẳng định lạm phát cả năm chắc chắn chỉ đạt 1 con số. Như vậy năm nay Chính phủ đã dự đoán đúng tình hình lạm phát.
Trước đó, khi CPI tháng 4 mới được công bố và ở mức tăng thấp kỷ lục, thấp nhất trong vòng gần 2 năm qua, nhiều người lo ngại lạm phát cả năm có thể xuống quá thấp, dẫn tới tình trạng nền kinh tế rơi vào thiểu phát do đình trệ sản xuất, sức mua sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành và Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chắc chắn nền kinh tế năm nay không rơi vào thiểu phát.
Ông Thành cho hay, thiểu phát là lạm phát vẫn ở mức dương, nhưng chỉ tăng thấp khoảng 2% đến 3% cả năm. Còn giảm phát là lạm phát ở mức âm. Cộng CPI các tháng đầu năm thì có thế thấy lạm phát cả năm nay chắc chắn trên 3%, đấy là chưa nói còn 7 tháng nữa CPI vẫn chưa được công bố.
Tiến sĩ Phong cho rằng, các tháng tới áp lực lên cung tiền sẽ rất lớn, như mua trái phiếu (mới đây Chính phủ đã “lặng lẽ” mua vào 10 tỷ USD trái phiếu) và nhiều yếu tố khác có thể khiến CPI tăng so với các tháng trước. Tình hình sản xuất hàng hóa cũng sẽ được kích thích khi lãi suất cho vay giảm mạnh, giá xăng dầu giảm. Vì vậy, không có khả năng nền kinh tế gặp nguy cơ thiểu phát.
Song theo tiến sĩ Thành, dù nguy cơ thiểu phát khó xảy ra trong năm nay, song nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, tổng cầu suy giảm. Vì vậy, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ để kích cầu kinh tế thời gian tới.
Báo cáo vừa công bố của Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng đưa ra quan điểm: “Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm có một gói kích cầu, tập trung vào việc chi tiêu cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng hoặc tái khởi động lại các công trình xây dựng dở dang. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay, sẽ là khó để kỳ vọng về một gói kích cầu có quy mô lớn, tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng vai trò tiên phong và hiệu ứng lan tỏa của việc chi tiêu Chính phủ sẽ giúp cải thiện niềm tin của khu vực tư nhân và người tiêu dùng vào triển vọng kinh tế, từ đó kích thích 2 đối tượng này mạnh dạn chi tiêu hơn”.
Theo Đất Việt