5 Tháng Bảy, 2012
Phát triển đô thị: Thiếu quy hoạch, tự phát theo phong trào
Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, sau khi di dời, đã nhường chỗ cho những khu nhà ở. Sắp tới đây, khi các bộ, ngành tiếp tục kế hoạch di dời, lại nghe dư luận bàn tán “bán chỗ này, bán chỗ kia” để lấy tiền xây trụ sở mới. Điều đó có nghĩa thay vào đó rất có thể sẽ là những khu nhà ở mới, vì nếu có bán thật, liệu mấy ai mua để làm vườn hoa phục vụ cộng đồng…
Trong quy hoạch chung xây dựng năm 1998 của TP Hà Nội có đề ra chỉ tiêu cây xanh công cộng trong nội thành là 8m2/người, nhưng thực tế, diện tích cây xanh giảm trông thấy. Nhiều hồ, ao cũng không còn, thay vào đó là nhà ở cao tầng. Khu vực nội thành cũ, mật độ cây xanh công cộng chỉ còn 1m2/người. Ngay các khu đô thị mới, trong quy hoạch đủ cả, nhưng khi thực hiện thì cây xanh được thay bằng nhà ở, đất trường học, công trình công cộng hoặc nằm trong diện khó giải phóng mặt bằng hoặc để đợi chủ đầu tư thứ cấp. Thống kê cho thấy, ở 25 khu đô thị, khu tái định cư thiếu 60 trường công lập từ cấp mầm non đến trung học cơ sở. Nếu tính cả các trường tư thục, vẫn có tới 13 khu đô thị thiếu trường mầm non, 11 khu đô thị không có trường tiểu học và 10 khu đô thị không có trường trung học cơ sở. Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất trước đây, sau khi di dời khỏi nội thành, đã biến thành những khu nhà ở quy mô lớn, thành trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng.
Lý giải nguyên nhân, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, quy hoạch trong quá trình chuyển đổi chức năng đô thị có cách làm không hợp lý. Quy hoạch chi tiết sau quy hoạch chung triển khai rất chậm. Đã vậy, quy hoạch chi tiết các khu đô thị, nhà ở thường do chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất rồi thành phố phê duyệt, đương nhiên chủ đầu tư bao giờ cũng đề xuất phần có lợi nhiều nhất cho họ. Ngoài ra, cũng theo ông Nghiêm, Hà Nội thiếu một cơ chế đặc thù của một Thủ đô. Chẳng hạn, câu chuyện di dời trường học, bệnh viện, các bộ, ngành nếu không có cơ chế để Hà Nội được trao quyền giải quyết, quản lý thống nhất thì cuối cùng vẫn là kiểu “đất giao cho ngành nào, ngành đó muốn làm gì thì làm”.
Nói về việc phát triển đô thị hiện nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, các đô thị trên cả nước đều có quy hoạch chung nhưng quy hoạch thường chậm so với yêu cầu, hoặc có nơi đô thị phát triển rồi mới có quy hoạch, quy hoạch phải cập nhật hiện trạng đã có nên không có được sự kết nối hạ tầng. Đã vậy, chất lượng quy hoạch thấp, thiếu quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Các đô thị chủ yếu phát triển trên cơ sở quy hoạch chung nên đô thị phát triển có tính chất chia cắt, riêng rẽ. Trong một dự án chỉ có hạ tầng khu, không có hạ tầng của vùng nên chất lượng đô thị bị ảnh hưởng. Trong khi các đô thị thiếu quy hoạch chi tiết, thiếu thiết kế đô thị và điều lệ quản lý đô thị thì việc điều chỉnh quy hoạch nhiều khi không vì yêu cầu khách quan mà do yêu cầu của nhà đầu tư gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. “Đô thị hiện nay phát triển thiếu kế hoạch, cứ có đất là làm, không căn cứ vào việc tăng dân số tự nhiên và cơ học để có lộ trình phát triển phù hợp, bảo đảm tiết kiệm tài nguyên đất đai, phù hợp nhu cầu và bảo đảm về nguồn lực” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Theo báo HNM