28 Tháng Chín, 2012
Sở hữu toàn dân về đất đai, một góc nhìn khác
“Bước ngoặt về chính sách ở Việt Nam, nếu có, theo tôi phải nhận diện đầy đủ các rủi ro ẩn chứa sau khái niệm mập mờ “sở hữu toàn dân”, TS. Phạm Duy Nghĩa viết tại tham luận “Sở hữu toàn dân về đất đai và doanh nghiệp Nhà nước: Một số ưu tiên trong chính sách tái cấu trúc nền kinh tế”.
Không có đủ thời gian để trình bày toàn bộ 18 trang tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012: Tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, song vị giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết ông đã viết bản tham luận này trong hai tuần, mỗi chữ đều được “gọt” rất cẩn thận, với văn phong “dịu dàng”.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, trong mấy lời ngắn gọn giới thiệu phần trình bày của ông Nghĩa nhấn mạnh thông tin, dự án Luật Đất đai sửa đổi vẫn tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhiều ý kiến đã cho rằng nên có những khái niệm rõ ràng hơn về sở hữu đất đai, một vấn đề về mặt thực tiễn đang rất nóng.
Ý kiến của TS. Phạm Duy Nghĩa tại bản tham luận rất thẳng thắn, ông Thiên lưu ý.
“Tổ tiên chúng ta không biết đến khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai”, ông Nghĩa mở màn phần đăng đàn trực tiếp. Sau nhiều phân tích và dẫn chứng, ông “đúc kết” rằng, tổ tiên đã để lại một di sản pháp luật sở hữu về đất đai, tuy không tinh xảo, song cũng đủ minh định rõ ràng ai là chủ nhân của hàng trăm triệu ô thửa đất kiến tạo nên lãnh thổ quốc gia.
Vị diễn giả này cũng nói đến “điều thú vị” khi nhắc lại sự kiện thông qua Hiến pháp năm 1980, đặt dấu chấm hết chế độ đa sở hữu, đất đai được tuyên bố thuộc sở hữu toàn dân, mà theo lời ông Nguyễn Đình Lộc thuật lại thì lúc đó nhiều đại biểu Quốc hội vẫn nghĩ rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nghĩa là mỗi người có một mảnh đất, chứ không hiểu rằng tuyên bố đó đồng nghĩa với quốc hữu hóa đất đai.
Rồi, từ một ví dụ hết sức cụ thể ngay ở một đô thị lớn trong nước, ông Nghĩa đã phác thảo các bước cơ bản của quá trình can thiệp để biến một mảnh đất thuộc sở hữu toàn dân thành của tư nhân.
Và khi đã thành của tư nhân thì quyền sử dụng ở đô thị mang lại cho người chủ của nó những quyền lợi chẳng khác gì đất tư ở các quốc gia tư bản. Thậm chí, khi quản lý nhà nước yếu kém, những người giàu lên từ chiếm hữu đất đai đã không phải đóng góp đáng kể cho phúc lợi xã hội.
Như vậy, theo ông Nghĩa, trên thực tế quan niệm “sở hữu toàn dân” về đất đai đã thực sự trở nên “trống rỗng”. Ngay cả quan niệm sở hữu Nhà nước về đất đai cũng tạo nên nhiều ảo giác hơn là thực quyền, bởi các quyền tài sản mang tính tư hữu gắn với nhiều loại đất đã được trao cho cá nhân hay tổ chức đang chiếm hữu.
Rất lớn, một diện tích đất rừng có quy mô xấp xỉ bằng tỉnh Tây Ninh đã được các địa phương giao cho người nước ngoài thuê. Chỉ một vị phó chủ tịch tỉnh nọ trong một ngày đã ký duyệt tới 7 dự án thu hồi đất với diện tích hàng trăm ha. Hai ví dụ điển hình nói trên được ông Nghĩa nhắc lại để cảnh báo, một chế độ sở hữu đất đai không rõ ràng, dễ bị định đoạt bởi quyết định hành chính, có thể tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích.
Khái niệm sở hữu toàn dân không có nền tảng chắc chắn, bởi vậy, theo ông Nghĩa, bước ngoặt trong quản lý đất đai chính là quay về với thiết chế truyền thống, với chế độ đa sở hữu.
Bày tỏ đồng tình với nhiều phân tích, lập luận, khuyến nghị của TS. Nghĩa, phần thảo luận mở ngay sau đó, ông Bùi Gia Thắng nhấn mạnh rằng quản lý đất đai là một trong số không ít vấn đề nóng bỏng, cốt yếu của cải cách thể chế kinh tế vốn đã được bàn rất nhiều từ khi bắt đầu đổi mới.
Theo ông Thắng, vấn đề cần bàn thêm là hoa lợi từ đất được mang lại phải được sở hữu chung trên cơ sở đó mới thiết kế giao cho ai tạo được hoa lợi nhiều nhất trên một diện tích đất.
Vị này cũng cho rằng khi sửa luật nên bàn kỹ hơn về triết lý, về phương pháp tiếp cận, thậm chí lựa chọn luật đất đai của nước nào đó để học hỏi trực tiếp. Đồng thời cũng lưu ý, chữ học hỏi trực tiếp là đã được “dịu dàng hóa” chứ nhiều nước đi sau đã khảo cứu luật đất đai của nước ngoài và không ngần ngại “khiêng” thẳng luật của một số nước về, khi mà thấy rằng không thể “làm văn” tập thể nữa.
“Tôi cũng đồng ý với quan điểm của ông Võ Trí Thành, rằng chế độ sở hữu đất đai là quan trọng, nhưng ở thiết kế cụ thể thì giá đất mới tác động trực tiếp và không thể không nói đến thuế đất. Thuế đất không thể không đóng vị trí quan yếu vì chính nó mới quyết định mức độ sở hữu thực như thế nào”, ông Thắng phát biểu.
Tại kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo tờ trình của Chính phủ tại phiên họp thứ 11 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật này tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai. Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân.
Theo: VNEconomy