5 Tháng Chín, 2012

Tái cơ cấu nền kinh tế: Phải xóa đặc quyền

Những yếu kém sâu xa của nền kinh tế như bất ổn vĩ mô kéo dài, đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả, tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức cao… được phân tích tại Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa thực hiện. Với chủ đề “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”, những vấn đề lớn của nền kinh tế đã được nhóm nghiên cứu đánh giá dưới nhiều góc độ, từ đó đưa ra những khuyến nghị hữu ích nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. 


Bất ổn kéo dài

Với 7 chương bàn về những vấn đề cơ bản của kinh tế vĩ mô như: rủi ro thâm hụt tài khóa, bất ổn thị trường tài chính, thách thức thâm hụt thương mại… Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 đã đánh giá thẳng thắn về những yếu kém sâu xa trong nội tại nền kinh tế. Báo cáo cho thấy, trong năm 2011 kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối diện với những bất ổn vĩ mô kéo dài. Bên cạnh tình trạng lạm phát và thâm hụt ngân sách ở mức cao, tỷ giá biến động khó lường thì nợ công và nợ nước ngoài đã dần đến ngưỡng nguy hiểm. Mặc dù, với việc thực hiện khá quyết liệt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, lạm phát đã được kiềm chế tốt hơn, song những yếu kém của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. 

Theo nhóm nghiên cứu, những biến động tiêu cực gần đây của kinh tế thế giới đã làm bộc lộ những khiếm khuyết cơ bản của nền kinh tế nước ta vốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Thực tế, tăng trưởng kinh tế đã giảm từ mức trên 8,2% giai đoạn 2004-2007 xuống còn gần 6% giai đoạn 2008-2011. Tỷ lệ lạm phát luôn ở mức cao, trung bình tới hơn 14% mỗi năm trong vòng 5 năm qua. Thâm hụt thương mại trên 10% GDP trong nhiều năm. Đặc biệt, thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây lên tới xấp xỉ 5-6% GDP, trong khi đó nợ công và nợ nước ngoài lần lượt tăng nhanh lên mức 57% và 42% GDP vào cuối năm 2010. Sự quản lý yếu kém cộng với những khó khăn kinh tế đã khiến hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn kém hiệu quả, rơi vào tình trạng thua lỗ và đứng trên bờ vực phá sản. 

Bản báo cáo cũng chỉ ra những bất ổn đáng quan ngại khi các ngân hàng thương mại tuy đạt lợi nhuận cao trong năm 2011 nhưng tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn trên tổng dư nợ lại có xu hướng tăng. 

Con đường tái cơ cấu

Đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam được xem là quá trình chuyển đổi chủ yếu từ theo chiều rộng sang chiều sâu tiến tới tăng trưởng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, việc khởi động đề án tái cơ cấu kinh tế là việc làm quan trọng đầu tiên cần thực hiện nhằm phân bổ lại các nguồn lực của nền kinh tế, đặc biệt ở ba khu vực quan trọng: đầu tư công, DNNN và tài chính – ngân hàng. 

Nhóm nghiên cứu cho rằng, để quá trình tái cơ cấu thành công, việc cần làm đầu tiên là xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Việc cải cách thể chế cần hướng tới một hệ thống chính sách và pháp luật tạo ra môi trường bình đẳng và minh bạch cho các hoạt động đầu tư và sáng tạo. Việc thực hiện một cuộc cải cách tài khóa toàn diện nhằm đưa ngân sách dần trở về trạng thái cân bằng, từ đó duy trì sự ổn định lâu dài cho nền kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng. Để thực hiện, trước tiên cần hạch toán ngân sách theo chuẩn quốc tế. Hệ thống thuế cần được cải cách để bảo đảm tạo nguồn thu bền vững, trong đó, các sắc thuế phải được điều chỉnh theo hướng bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích tiết kiệm và kích thích sản xuất.

Theo báo HNM