18 Tháng Bảy, 2014
Tập đoàn Nam Cường tiếp sức 200 triệu đồng cho ngư dân tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi
Trong hai ngày 16 và 17/7, Tập đoàn Nam Cường phối hợp với Báo Dân trí đã trao 200 triệu đồng chia sẻ khó khăn với các gia đình ngư dân đặc biệt khó khăn tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi. .
Theo đó, thông qua chương trình “Tiếp sức ngư dân bám biển” do báo Dân trí phát động, lãnh đạo tập đoàn Nam Cường đã đến thăm và trao 10 suất quà đến 10 ngư dân ngụ tại phường An Hải Bắc, Đà Nẵng mỗi suất trị giá 10 triệu đồng. Tại Bình Châu, Quảng Ngãi, Tập đoàn đã trao cho 10 em học sinh giỏi là con em ngư dân với mỗi suất học bổng trị giá 5 triệu đồng, hỗ trợ 5 gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trị giá 10 triệu đồng/gia đình).
· Tại Đà Nẵng
Ông Nguyễn Đình Hòa – trưởng đại diện Báo Dân trí tại Đà Nẵng cho biết, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam, báo Dân trí đã phát động chương trình “Tiếp sức ngư dân bám biển” nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân.
Nói về những khó khăn khi bám biển, ông Võ Văn Minh (ngụ tại tổ 65, phường An Hải Bắc) cho biết: “Khi Trung Quốc đặt giàn khoan, chúng tôi được cử bám biển đầu tiên, vừa là để khai thác thủy sản, vừa để cho Trung Quốc thấy lãnh thổ của mình thì mình làm thôi. Tàu của Đà Nẵng có 15 chiếc, gồm 165 người, chia thành từng đợt để ra khu vực giàn khoan. Mỗi chuyến đi kéo dài 1 tháng. Chúng tôi đi vòng quanh giàn khoan, cách khoảng 7 – 8 hải lý. Khi mình đi đến gần giàn khoan, Trung Quốc lấy tàu đâm mình, mình lại chạy, rồi quay lại, tàu Trung Quốc lại đuổi. Ngày nào cũng như vậy. Những ngày đầu tiên còn tông nhẹ, những ngày sau chúng muốn hủy diệt, cố tình tông cho ngư dân mình khiếp sợ. Tàu 90152 bị đâm chìm úp ngoài biển nhưng may mắn có đủ người trở về.”
Ông Trần Oanh, phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường đánh giá cao những nỗ lực của Báo Dân trí cũng như ý nghĩa và hiệu quả của chương trình. Ngay sau khi biết đến thông tin chương trình, ban lãnh đạo Tập đoàn Nam Cường đã cam kết đồng hành cùng báo Dân trí kịp thời hỗ trợ, động viên bà con ngư dân tiếp tục bám biển.
Ông Trần Oanh – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường trao quà tiếp sức ngư dân bám biển
Đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Hữu, phó chủ tịch phường An Hải Bắc cho biết: “Mặc dù cuộc sống hiện của ngư dân còn rất nhiều khó khăn nhưng theo chủ trương chung các ngư dân vẫn vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thay mặt bà con ngư dân, tôi xin cảm ơn Tập đoàn Nam Cường đã quan tâm, hỗ trợ các ngư dân. Chúc Tập đoàn Nam Cường luôn phát triển.”
Sau buổi tặng quà, đoàn đã đến thăm gia đình ông Đặng Văn Xuân và một số gia đình ngư dân khác. Gia đình ông Xuân ngụ tại tổ 75, phường An Hải Bắc. Gia đình có 5 người gồm 3 người con trai cùng sinh sống trong ngôi nhà tạm 10m2, trên đất ở nhờ của chính quyền. Ông là một trong những ngư dân đợt đầu tiên của Đà Nẵng ra bám biển.
Đoàn đã đến thăm gia đình ông Đặng Văn Xuân – một trong những ngư dân đầu tiên của Đà Nẵng ra khơi bám biển
Ngôi nhà của ông Xuân
· Tại Quảng Ngãi
Gia đình các ngư dân có mặt từ rất sớm để nhận quà
Ông Trần Oanh trao quà cho các học sinh giỏi là con ngư dân
Đón nhận món quà ý nghĩa trước thềm năm học mới, cháu Phạm Thị Mỹ Linh – con của ngư dân Phạm Văn Mảng (ngụ thôn Châu Thuận Biển) vui mừng, nói: “Tranh thủ ngày hè, con cùng các bạn trong xóm đi mò ốc, hái rong để kiếm tiền phụ gia đình và dành dụm mua sách vở, quần áo mới. Hôm nay con nhận số tiền rất lớn này, gia đình con vui lắm. Tối nay mẹ sẽ chở con đi sắm bộ quần áo trắng mới, rồi mua sách, vở chuẩn bị cho năm học mới. Con xin hứa sẽ học tập, giữ nguyên danh hiệu học sinh giỏi, con mong cha an tâm đi biển xa nhà”.
Giữa làng chài đong đầy sóng gió, cuộc sống mưu sinh xã Bình Châu chỉ biết bám biển mà thôi. Cùng vì biển mà ngư dân Võ Văn Sơn – chồng chị Bùi Thị Vinh (ngụ thôn Châu Thuận Nông) bỏ mạng tại Trường Sa vào ngày 13/10/2013, chừng ấy thời gian ngóng chồng trên bàn thờ, gánh nặng trên vai chị Vinh càng nặng trĩu khi 3 con vẫn còn thơ cùng mẹ già 85 tuổi.
Từ khi ngư dân Võ Văn Sơn mất tích ở Trường Sa, cuộc sống gia đình chị Bùi Thị Vinh trở nên nhọc nhằn hơn.
Chị Bùi Thị Vinh chia sẻ: “Từ ngày anh mất tích ở Trường Sa, cuộc sống gia đình rơi vào túng thiếu đủ bề. Tôi thì có đi biển được đâu, chỉ biết bấu víu vào 1 sào mì và rẫy mì khô cằn nơi đây kiếm sống qua ngày. Thấy mẹ cơ cực, đứa con trai đầu xin nghỉ học để đi biển, kiếm tiền phụ tôi nuôi 2 em nó và mẹ già. Với số tiền nhận lần này, tôi tích cóp mua con bò để làm vốn cho 2 đứa con nhỏ ăn học tới nơi tới chốn”.
Xúc động trước nỗi khổ cực, nhọc nhằn của những gia đình ngư dân bám biển, ông Trần Oanh – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường bày tỏ: “Nhờ những thông tin và chương trình “Tiếp sức ngư dân bám biển” trên báo Dân trí, giúp chúng tôi sớm gắn kết, thấu hiểu cuộc sống cơ cực của gia đình ngư dân đằng sau ý chí kiên cường bám biển. Từ đó, chúng tôi quyết định vượt gần 900 km đến vùng biển Quảng Ngãi, tận tay trao từng món quà đến bà con ngư dân, góp phần tiếp thêm sức mạnh giúp ngư dân Quảng Ngãi vững tâm, kiên trì bám biển và bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Đối với các em học sinh, chúng tôi mong các em tiếp tục vượt khó, học tốt và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương Bình Châu thân yêu”.
Hiện nay, toàn xã Bình Châu có khoảng 600 thành viên với 426 tàu cá, trong đó có 143 tàu cá trực tiếp tham gia đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Từ ngày 2/5 đến nay, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam, riêng xã Bình Châu có 12 trường hợp tàu cá bị tàu quân sự Trung Quốc tấn công, va đâm và cướp tài sản ngay trên ngư trường Hoàng Sa.
Đón nhận tình cảm chia sẻ từ đoàn từ thiện, ông Bùi Hồng Văn – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu xúc động, nói: “Với sự quan tâm sâu sắc đến ngư dân Bình Châu, Tập đoàn Nam Cường cùng báo Dân trí đã không ngại gian khổ để vượt chặng đường dài đến hỗ trợ ngư dân. Thay mặt những ngư dân ngày đêm bám biển khơi xa, tôi xin chân thành cảm ơn đoàn từ thiện. Với phần quà quý giá này, phần nào giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn để thoát nghèo, đồng thời tiếp sức cho ngư dân chúng tôi an tâm bám biển. Dù có bị đe dọa từ phía Trung Quốc và bão tố, ngư dân Bình Châu luôn xác định tư tưởng và quyết tâm giữ lấy ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa, Trường Sa ruột thịt”.