13 Tháng Một, 2020

Chuyên đề: Vì sao Đổi mới là bài toán quan trọng với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp?

Thế giới phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực nhờ vào cuộc cách mạng số, điều này tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng. Chính bởi vậy, đổi mới là yếu tố tất yếu của các doanh nghiệp để theo được guồng quay của quy luật chung.

Thế giới đang thay đổi từng ngày

Nokia, thương hiệu điện thoại hàng đầu trong những năm 1990, giữ ngôi vương suốt 20 năm trên thị trường, cũng không thể ngờ được sự bùng nổ của công nghệ hiện đại đã tạo nên kỳ tích Apple và Samsung.

Grab, công ty vận tải khổng lồ mà không sở hữu chiếc xe nào. Facebook, nhà sở hữu phương tiện truyền thông phổ biến nhất thế giới, không tạo ra nội dung nào. Alibaba, nhà bán lẻ có giá trị lớn nhất thế giới, không có tí hàng lưu kho nào. Và Airbnb, nhà cung cấp phòng ở cho thuê lớn nhất thế giới, không có chút bất động sản nào.

Thế giới đang thay đổi từng ngày, tất cả các yếu tố khách quan và chủ quan đều có tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, trước hết là quan hệ cung cầu, chiến lược phát triển, phương thức tổ chức quản lý, mô hình kinh doanh.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững.

Đổi mới, sáng tạo mang tính chất sống còn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và đặc biệt trước làn sóng của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra hiện nay.

Đổi mới, sáng tạo đối với doanh nghiệp không chỉ là việc sáng tạo ra những sản phẩm mới, công nghệ mới mà còn bao hàm cả việc thay đổi phương thức trao đổi giữa doanh nghiệp với khách hàng, cách thức chăm sóc khách hàng hay đơn giản là những thay đổi trong cách thức các nhân viên của doanh nghiệp giao tiếp với nhau hiệu quả hơn. 

Xây dựng văn hóa đổi mới

Đổi mới không phải là một viên đạn, bắn một phát. Đó là một quá trình liên tục đưa ra những ý tưởng mới và thử nghiệm. Giống như nhìn ra bờ biển, bạn thấy sóng sau xô sóng trước, liên tục. Và cách duy nhất để làm điều đó là xây dựng văn hóa đổi mới trong chính nội bộ doanh nghiệp.

“Đổi mới phải là công việc của mọi thành viên trong tổ chức.” Điều đó không chỉ cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp; mà còn tốt cho động lực, tinh thần và sự cống hiến của đội ngũ nhân sự. Hãy bắt đầu từ sứ mệnh đổi mới, một thông điệp đổi mới được đưa ra cụ thể, rõ ràng và quyết liệt sẽ là kim chỉ nam cho các tập thể, cá nhân trong tư tưởng và hành động. 

Đồng lòng hiện thực hóa những đổi mới – Những ý tưởng mới có thể sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng không có nghĩa là cần phải bác bỏ. Trong cuốn sách Crossing the Chasm, một nghiên cứu bước ngoặt về tiếp thị các sản phẩm công nghệ cao trong giai đoạn khởi nghiệp, giải thích rằng: “Nếu bạn trình bày một ý tưởng và mọi người nói không, thì ý tưởng đó có thể không phải là một ý tưởng hay. Nhưng nếu mọi người nói có, thì ý tưởng của bạn có lẽ chưa đủ sáng tạo.” Bởi vậy, việc đồng lòng của toàn bộ nhân sự để sẵn sàng phát triển những sáng tạo đổi mới là tối quan trọng. 

Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp là nền tảng, động lực cho sự đổi mới. Bởi, đổi mới không có nghĩa là thay đổi toàn bộ và xóa bỏ lịch sử. Những giá trị nền tảng đi cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình hình thành và phát triển đều mang sứ mệnh nhất định. Mỗi giá trị có thể thay đổi ở từng giai đoạn, nhưng bên cạnh đó, cũng có những giá trị được coi là tôn chỉ, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. 

Đối với từng cá nhân trong tập thể, việc thay đổi tư duy và nhận thức về đổi mới là tối quan trọng. Thay vì dập khuôn theo những lối mòn, mỗi chúng ta hãy chủ động sáng tạo trong chính công việc hàng ngày. Mỗi phát kiến cần được đưa ra thảo luận và phát triển, từ đó cùng nhau xây dựng những quy trình mới, cách thức mới, vì mục tiêu tối ưu hiệu quả. Bên cạnh đó, văn hóa cổ vũ cùng cần được đẩy mạnh, hãy dành cho đồng nghiệp những động viên chia sẻ về những sáng kiến mới, hãy cùng nhau nhìn nhận những tích cực và gạt bỏ suy luận tiêu cực. Chỉ có thể mới phát triển và nhân rộng được tư duy đổi mới trong tập thể.

Cuối cùng, Đổi mới không phải là lựa chọn, đó là con đường duy nhất để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và bền vững.