Dấu ấn: Doanh nhân Trần Văn Cường (Chuyên đề ảnh – Phần I)
Ngày 19 tháng 3 năm 1958, tức ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất, trong khi đang làm nghề vận tải trên sông, bà Trần Thị Cháu đã sinh ra người con trai thứ ba Trần Văn Cường, tại bến sông Ninh Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Gia đình ông làm nghề nông, chuyên trồng lúa và đi thuyền vận tải, cả nhà thường xuyên lênh đênh trên sông nước. Bố Mẹ ông sinh được 10 người con (6 trai, 4 gái).
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, trải qua thời bao cấp và chiến tranh ác liệt, Trần Văn Cường không có điều kiện để học hành bài bản. Mới hết lớp 6 phổ thông, ông phải nghỉ học cùng bố mẹ lao động vất vả kiếm sống. Hoàn cảnh gia đình đã đưa Trần Văn Cường vào cuộc vật lộn quyết liệt với đói nghèo, sớm trở thành người lao động nặng nhọc, phải chấp nhận khó khăn, gian khổ để tồn tại và tìm hướng phấn đấu đi lên.
Ngày đầu lập nghiệp…
Năm 1978, bước vào tuổi 20, với bằng thuyền trưởng trong tay, ông đã chỉ huy con tàu số 889 vận chuyển phân đạm trên các tuyến sông phía Bắc. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã quyết định đường lối đổi mới. Nắm bắt thời cơ quan trọng này, năm 1989 Trần Văn Cường thành lập Tổ hợp dịch vụ Vận tải – Vật tư nông nghiệp và Xây dựng Xuân Thuỷ, giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm, trụ sở đặt tại phố Bùi Chu, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường. Đây là bước khởi đầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, đưa ông từ người chỉ huy một con tàu, thành người lãnh đạo một tổ chức, với nhiều phương tiện vận tải, mở rộng quy mô hoạt động trên nhiều địa bàn, đặc biệt là quyết định chuyển hướng ra thành phố Hải Phòng , trụ sở đặt tại số 83 Bạch Đằng, công việc chính là dịch vụ vận tải và kinh doanh phân bón.
To hop vt(1)
Ket bac
Thành phố hoa phượng đỏ này không chỉ là nơi ươm mầm cho những ý tưởng lớn, táo bạo; mà còn là nơi Trần Văn Cường gặp được Lê Thị Thuý Ngà – người con gái đất cảng, người bạn đời yêu thương, cùng nhau chia sẻ đắng cay, ngọt bùi, nâng bước cho nhau trên con đường lập thân, lập nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy 2 con gái và 1 con trai khôn lớn trưởng thành.
Từ năm 1993 đến năm 1997 ông là giám đốc công ty TNHH Nam Cường, năm 1998 chuyển thành Công ty Thương mại – Dịch vụ Nam Cường.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn và vận dụng cơ chế, nhưng với kinh nghiệm đã được đúc kết từ trước, bước vào tuổi 39, Trần Văn Cường bắt đầu đột phá chinh phục thương trường bằng kế hoạch làm ăn lớn: mở đầu là việc ông quyết định xây dựng khách sạn Thúy Quỳnh – Hà Nội, tiếp đó là khách sạn Tray 4 sao và khách sạn Thuý Quỳnh ở thành phố Hải Phòng.
Việc sớm hoàn thành và đưa hai khách sạn này vào sử dụng đã khẳng định tầm nhìn xa và tính nhạy bén trong việc tranh thủ thời cơ, dám nghĩ, dám làm của một doanh nhân có chí lớn.
Ngoài những khách sạn đã đưa vào sử dụng, Tập đoàn Nam Cường còn đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao Nam Cường Đồ Sơn, sẽ mở cửa đón khách vào cuối năm 2011. Khách sạn 4 sao Nam Cường Nam Định sẽ hoàn thành vào năm 2012. Khách sạn Nam Cường Hà Nội và khách sạn Nam Cường Hà Tây đang được các nhà thiết kế chuyên nghiệp nước ngoài hoàn thành phần cuối cùng để chuyển sang thi công. Trong vòng 20 năm tới, Tập đoàn Nam Cường sẽ có từ 10 đến 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao và hệ thống văn phòng, căn hộ cao cấp cho thuê ở nhiều địa phương trong cả nước.
Đã tròn một năm, anh Trần Văn Cường đi vào cõi vĩnh hằng. Buồn lắm, đời người chỉ có hạn! Nhưng với anh Cường, những công trình, những cống hiến của anh khi còn là người đứng đầu Tập đoàn Nam Cường Hà Nội thì vẫn còn đó, còn mãi với thời gian.
Sinh ra từ một vùng quê nghèo khó Xuân Trường – Nam Định; tạo dựng doanh nghiệp, trưởng thành trong gian nan của cơ chế thị trường trên bến Cảng Hải Phòng, TP Hải Dương, TP Nam Định, Thủ đô Hà Nội với những ý tưởng táo bạo, tạo dựng, mở mang những đô thị mới… ở nơi đâu Doanh nhân Trần Văn Cường cũng được nhân dân tin yêu mến phục. Tin vì Nam Cường đã nói là làm. Phục vì những đô thị do Nam Cường tạo dựng hiện hữu đều hoành tráng, hiện đại bền vững cho nhiều thế hệ mai sau…
15 tuổi đã phải nghỉ học để lênh đênh trên những chuyến tàu vượt tuyến lửa chở hàng vào Nghệ An, Thanh Hoá. Bằng cấp duy nhất trong cuộc đời ông có được là cái chứng chỉ thuyền trưởng tàu vận tải nhẹ được cấp năm 1976, còn lại tất tần tật đều học ở trường đời