27 Tháng Mười Hai, 2010

Gặp doanh nhân Việt trên đất Malaysia

NCh

Sinh ra từ một vùng quê nghèo khó Xuân Trường – Nam Định; tạo dựng doanh nghiệp, trưởng thành trong gian nan của cơ chế thị trường trên bến Cảng Hải Phòng, TP Hải Dương, TP Nam Định, Thủ đô Hà Nội với những ý tưởng táo bạo, tạo dựng, mở mang những đô thị mới… ở nơi đâu Doanh nhân Trần Văn Cường cũng được nhân dân tin yêu mến phục. Tin vì Nam Cường đã nói là làm. Phục vì những đô thị do Nam Cường tạo dựng hiện hữu đều hoành tráng, hiện đại bền vững cho nhiều thế hệ mai sau…

NCa
Đoàn cán bộ của Tập đoàn Nam Cường làm việc với đối tác Malaysia

Chiến tranh, sự nghèo khó đã không cho Trần Văn Cường có cơ may đến giảng đường đại học như bao bè bạn cùng trang lứa, nhưng sao ông có được trong đầu mình một khối lượng kiến thức khổng lồ về quy hoạch, kiến trúc, một kinh nghiệm dày dạn về quản lý chuyên ngành Xây dựng?… Ông ra đi rồi tôi mới hiểu. Ông học và tích lũy vốn sống, kiến thức từ ngay trong cuộc sống đời thường. Vốn liếng tài sản vô biên của ông là sự chân thành với tất cả mọi người. Chính vì vậy một số kiến trúc sư người Pháp đã phân tích và chỉ cho ông cách quy hoạch đô thị. Những người bạn công chức dù đã nghỉ chế độ vẫn xung phong đến giúp ông việc quản lý nhân sự trong Tập đoàn. Một người bạn công tác ở Bộ Giao thông đã hướng dẫn ông cách vạch tuyến đường quốc lộ để rồi tạo ra những đô thị hai bên đường… Còn chúng tôi những người cầm bút, ông mời đi thăm quan nước ngoài và chỉ nhờ một việc: “Hãy cảm nhận và viết trên báo chí những điều mắt thấy tai nghe về sự đổi thay đô thị của đất nước bạn. Báo chí góp phần làm thay đổi nhận thức người dân và nhận thức đúng sẽ mở đầu cho những hành động đúng”… Tôi đã hiểu vì sao cách giải phóng mặt bằng của Tập đoàn Nam Cường ít vấp phải sự phản đối từ phía nhân dân….

Sáu năm trôi qua, nhưng lần gặp Doanh nhân Trần Văn Cường trên Quảng trường Thủ đô Kuala Lumpur – Malaysia khi ông đang chỉ huy các kỹ sư trẻ của “công ty” chụp một số mẫu kiến trúc, dải cây xanh, cột đèn chiếu sáng… vẫn còn mãi trong tôi. Và đến nay cuộc trò chuyện giữa tôi và ông vẫn còn có ý nghĩa, cho dù ông đã đi xa.

Malay
Doanh nhân Trần Văn Cường ( người thứ 2 từ trái sang) đang trao đổi với các nhà báo về quy hoạch xây dựng của Malaysia

* Ông tới Kuala Lumpur bao nhiêu lần rồi và cảm nhận của ông về đất nước này ra sao?

– Dễ đến chục lần rồi nhà báo ạ. Mỗi lần tôi lại bắt gặp một điều mới lạ từ quốc gia giống người Việt hệ máu đỏ da vàng này. Hình như mỗi đời Thủ tướng họ lại làm được một điều vĩ đại. Năm trước họ dựng một cây cột cờ cao nhất thế giới. Năm sau họ xây toà tháp đôi đẹp nhất, cao nhất thế giới. Năm sau nữa, họ làm một khu vui chơi giải trí lớn nhất thế giới. Còn bây giờ thì công tác quản lý hành chính, không phân biệt người nông thôn hay thành phố, núi rừng hay hải đảo của họ cũng lại nhất thế giới. Công dân của Thủ đô Kuala Lumpur chỉ mang trên mình một tấm thẻ  giống chứng minh nhân dân như ở ta là họ có thể đi khắp quốc gia mà không cần mang theo tiền mặt. Tấm “cạc” của họ là một con chíp điện tử trong đó lưu trữ đầy đủ danh tính, tiền bạc, tiểu sử của chủ nhân. Công chức của Malaysia không tập trung đông đúc uống rượu bia. Họ chỉ xả láng trong những ngày nghỉ cuối tuần với gia đình và bè bạn. Nam giới ở Malaysia thường là dân theo đạo hồi. Họ được phép lấy đến 4 bà vợ. Điều kỳ lạ là không bà nào ghen với bà nào cả.

NCs
Cố Chủ Tịch Trần Văn Cường cùng các cộng sự khảo sát chi tiết từng hạng mục công trình ở Thủ đô nước bạn

* Theo ông thì bây giờ chúng ta có thể học được ở nước bạn những điều gì?

– Vấn đề mà Cty Nam Cường đang quan tâm học hỏi  ở Malaysia là việc quy hoạch không gian đô thị. Hơn ta ở chỗ, họ quy hoạch tổng thể quốc gia sau đó quy hoạch chi tiết cho từng bang, từng phố phường. Bản đồ quy hoạch được gửi đến từng người dân để xin ý kiến. Hệ thống đường giao thông cao tốc được chú trọng xây dựng đầu tiên trong chiến lược phát triển đã làm cho các bang của Malaysia trở thành một khối. Người dân ở Malaysia không phân biệt họ là người nông thôn hay thành thị. Xu thế họ thích sống ở xa Thủ đô, nhà ở chìm trong thiên nhiên cỏ cây. Những người giàu có mới thực hiện được tâm nguyện này.

Để xoá khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, Chính phủ Malaysia rất khôn ngoan. Họ cung cấp quy hoạch và biếu không đất cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư gặp khó khăn có thể được Chính phủ xem xét hỗ trợ tài chính. Cao nguyên Genting vốn là vùng rừng núi hoang dã. Sau chưa đầy 10 năm giao cho một tư nhân nơi đây đã biến thành một khu vui chơ giải trí khổng lồ toàn thế giới biết đến. Mỗi khách du lịch một lần đến cao nguyên chi phí trung bình khoảng 100 đô la Mỹ. Mỗi tháng cao nguyên đón khoảng 50 ngàn khách. Vậy số thuế mà quốc gia thu được là bao nhiêu?  Doanh nghiệp Malaysia không có chuyện nhầm lẫn hay trốn doanh thu bởi hệ thống quản lý điện tử tinh vi của Chính phủ. Doanh nghiệp mạnh thì nguồn ngân sách quốc gia mạnh. Đầu tư cho doanh nghiệp cũng chính là đầu tư để tăng ngân sách quốc gia. Tôi rất tâm đắc điều này.

Nhìn bạn mà nghĩ về mình thấy buồn. Đường giao thông còn trong quy hoạch vừa thông báo chuẩn bị thi công, chính quyền xã đã cấp đất cho con cháu bám sát mặt đường để làm ăn buôn bán. Bao giờ chúng ta có những con đường cao tốc thực sự đây? Ở Hải Dương có lần tôi đã mạo muội đề nghị chính quyền tỉnh được tài trợ cho tất cả các chủ tịch xã phường một chuyến công du nước ngoài. May ra từ đây họ có thể nhận ra mình để thay đổi tư duy khi cầm bút phê duyệt dự án.

 

nam-cuong-gep2
Phút lãng mạn của Doanh nhân

 * Cty Nam Cường đang thực thi nhiều dự án xây dựng đô thị ở Việt Nam như TP Nam Định, Hải Dương, Hà Nội đặc biệt là khu Đảo Ngọc ở Hải Dương, vậy chuyến công tác này Ông có sao chép được một mô hình nào mang về nước không?

– Tôi rất thích các căn nhà ngoại ô ở Malaysia, rất thích các công viên giải trí của tập đoàn SUNWAY, rất mê những dải đường cao tốc với 8 làn xe cơ giới hai bên là những vườn hoa của đất nước này nhưng sao chép 100% về Việt Nam thì không. Với các kiến trúc sư trong đoàn tôi luôn nhắc nhở họ: Malaysia và Việt Nam là 2 dân tộc có nền văn hoá riêng, đừng đánh cắp văn hoá của họ biến thành của mình. Cái mà chúng ta cần học là vấn đề mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm. Nghĩ cái lớn. Làm hoành tráng. Mong sao khi người nước ngoài đến Việt Nam họ không bảo chúng ta là bắt chước. Rồi đây ở Nam Định, Nam Cường cũng có ý định xây tặng thành phố quê hương một quảng trường to như ở Malaysia. Các căn nhà vùng ngoại ô Hà Nội cũng sẽ đẹp như ở ngoại ô Kuala Lumpur. Những con đường mà Nam Cường làm cũng phải rộng như ở Malaysia.  Nhưng điều tiên quyết phải là đường Việt Nam, nhà Việt Nam, quảng trường Việt Nam…

NCb

Theo báo Xây dựng – XuânTân Mão