Khi hoàn thành việc nâng cấp quốc lộ số 5 (Hà Nội – Hải Phòng), thành phố Hải Dương đã trở thành một thị xã “nằm ven đường” và nhà đầu tư vô tình đi qua. Thế nên trên báo Lao Động đã từng có bài phóng sự với cái tên buồn “Hải Dương – thành phố đi qua”! Mọi người ghé lại Hải Dương chỉ là để mua bánh đậu xanh làm quà. Nhưng bây giờ thì đã khác, nhiều người đã trở lại, ở lại Hải Dương vì một sự hấp dẫn mới.
Mạo hiểm lao vào Hải Dương
Khi quốc lộ 5 được nắn thẳng, TP.Hải Dương trở về với những con đường vắng vẻ, những ngôi nhà nho nhỏ, vừa cổ kính vừa buồn tẻ. Hành trình của Hải Dương vẫn đi về phía trước, nhưng chững lại, âm thầm và chịu đựng. Các nhà đầu tư lao đến Hải Phòng, hoặc Hưng Yên (do gần Hà Nội hơn) chứ chẳng ai vào với Hải Dương. Mấy cơn sốt đất đai diễn ra trên cả nước thì Hải Dương gần như nằm ngoài cuộc. Dân không quen và cũng chẳng có ý muốn mua đất nhiều để làm nhà.
Năm 2002, TP bỗng sôi động vì một nhà đầu tư xuất hiện đầu tư vào 2 dự án lớn là Đông và Tây. Đó là Cty thương mại du lịch Nam Cường – nay là Tập đoàn Nam Cường. Nói đúng ra là Nam Cường “lao vào” Hải Dương. Người ta ngạc nhiên và nghi ngờ. Vì nghe đâu cái “ông” Nam Cường này chỉ biết làm thương mại, du lịch, đâu có khả năng làm dự án đô thị mới hàng ngàn tỉ đồng!
Nhìn cánh đồng trũng nơi tỉnh thuần nông với khoảng triệu dân, không ít người, kể cả cán bộ lãnh đạo cũng như một số doanh nhân có tiếng trong giới xây dựng đô thị, tỏ ý hoài nghi. Có nhiều người ủng hộ vì hy vọng có cái gì đó mới về quy hoạch đô thị. Nhưng có người cho rằng Tập đoàn Nam Cường chỉ là tư nhân, không đáng tin cậy. Nam Cường có đủ năng lực làm không, hay chỉ đi kiếm lợi nhuận và chiếm đất?…
Từ tay trắng đến những dự án để đời
Học hết lớp 7 (lớp 9 bây giờ), Trần Văn Cường cùng thanh niên HTX vận tải của xã được giao nhiệm vụ chở gạo theo đường biển vào Khu IV để bộ đội chuyển vào chiến trường. Sau chiến tranh, anh được HTX cử đi học lớp thuyền trưởng tàu vận tải trọng tải nhẹ. Trình độ học vấn của Cường chỉ có vậy. Chở đá, chở gạo, phân bón…, Cường xoay vần với đủ nghề. Chính cuộc sống đã dạy cho anh biết làm người đi thẳng lưng, đầu ngẩng cao.
Cường chống lại đói nghèo của gia đình bằng việc cùng vài anh em thành lập tổ vận tải riêng. Buôn bán, chở thuê, kiếm được ít tiền thì bị người khác lừa đẩy vào vòng tố tụng. Không trốn lủi như người ta khuyên, suốt gần 3 năm trời Cường kiên nhẫn vác đơn đi khắp nơi kêu oan. Giải được oan thì anh trở thành tay trắng!
Việc làm lại từ đầu là quyết tâm không thể lay chuyển, vì chẳng còn đường nào khác. Lên Hà Nội gây dựng lại “sự nghiệp” bằng một mảnh đất ao với giá rẻ như cho, qua biết bao thăng trầm, Trần Văn Cường trở thành chủ một tập đoàn tư nhân mạnh gồm cả chục Cty thành viên. Bằng cấp cao nhất của Cường là cái bằng “thuyền trưởng tàu vận tải hạng nhẹ”, nhưng dưới quyền anh có hơn 200 kỹ sư, tiến sĩ, hàng ngàn công nhân.
Tập đoàn Nam Cường là chủ đầu tư gần chục dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới hiện đại ở Hải Dương, Nam Định, Hà Nội…, là chủ đầu tư khách sạn 4 sao Nacimex Nam Định, khách sạn 4 sao Nacimex Hải Dương, khách sạn 5 sao Nacimex Đồ Sơn và khách sạn 4 sao Tray Hải Phòng… Mới đây, Tập đoàn Sunway & Resorts (Malaysia) – hiện đang quản lý 13 khách sạn và khu nghỉ mát tại các nước Đông Nam Á – đã hợp tác với Nam Cường để khai thác tiềm năng du lịch ở Việt Nam…
Với các dự án ở Hải Dương, ở thời điểm năm 2002 nhiều người khuyên anh không nên làm. Nhưng vốn mạo hiểm, anh nói rằng Nam Cường sẽ kích cầu cho cả TP. Thế là cứ “lao vào”!
Không chịu thoái lui
Chính phủ quyết tâm, tỉnh quyết tâm và chính ông chủ tập đoàn quyết tâm nên Nam Cường đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho 2 dự án ở TP.Hải Dương: Khu đô thị mới phía Đông và khu đô thị mới phía Tây. Tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, quy hoạch ban đầu, đến thi công… đều được tiến hành một cách bài bản, khoa học.
Khu đô thị mới phía Đông là khu đô thị liên hợp với tổng diện tích 108ha, gồm khu văn hoá thể thao của TP và khu đô thị mới cho quy mô dân số 10.000 người, tổng vốn đầu tư 460 tỉ đồng. Theo Chủ tịch tập đoàn – ông Trần Văn Cường, mục tiêu lớn nhất là quy hoạch và xây dựng một đô thị kiểu mẫu, đạt chuẩn. Chính vì vậy mà cơ cấu đất dành cho giao thông trong khu đô thị này được dành tới 36%; đất dành cho các khu thể thao, văn hoá, giải trí 28%; đất cho công viên, cây xanh và các mục đích công cộng khác là 7%; trong khi diện tích đất ở mới để kinh doanh chỉ chiếm 29%.
Các tuyến đường trong khu đô thị được xây dựng với chiều rộng nhỏ nhất là 13,5m và rộng nhất là 45m. Toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng, điện dân dụng, hệ thống cấp thoát nước, thông tin liên lạc được thiết kế ngầm. Cty đã đổ hàng triệu mét khối cát để tôn nền cho khu đô thị mới cao hơn cốt nền chung của TP.Hải Dương 0,6m. Khu đô thị mới phía Đông còn đảm bảo các công trình tiện ích dân sinh khác như trường học, bệnh viện, nhà thi đấu thể thao, khu thương mại…
Giữa vùng đồng trũng, một khách sạn cao cấp cao tầng sững sừng, một khu đô thị hiện đại đang cựa mình như điểm nhấn báo hiệu một bước chuyển mới về quy hoạch đô thị của Hải Dương.
Nhưng mọi chuyện chẳng suôn sẻ. Suốt hơn một năm sau khi làm hạ tầng hoàn chỉnh, phân lô đất, mời gọi, quảng cáo giá đất rẻ…, không ai đến mua đất. Trần Văn Cường như đứng trên đống lửa. Cán bộ của tập đoàn phải đi đến nhà dân tiếp thị theo kiểu vận động, rồi hợp đồng mở các đại lý giới thiệu nhà đất. Tất cả vẫn không mấy khả quan. Chỉ lẻ tẻ vài người mua trong tâm trạng ngại ngần vì chưa tin. Mãi đến hai năm sau, việc bán đất cho dân mới bắt đầu thuận lợi. Lúc này thì tiền huy động và vay ngân hàng của tập đoàn đã đội lên. Mặc dù vậy, sự kiên trì đã không uổng.
Cho đến nay, cơ bản toàn bộ đất của 2 khu đô thị mới Đông và Tây TP đã được người dân mua để xây nhà ở. Theo thống kê, trong tổng số 3.614 lô đất của khu đô thị phía Đông, Tập đoàn Nam Cường đã bán hết 3.343 lô, trong đó 91% số người mua đất là cư dân TP.Hải Dương và các huyện trong tỉnh. Cty đã dành gần 1.000 lô đất bán dưới giá đầu tư cho những thương – bệnh binh, gia đình chính sách.
Nhận thức mới về quy hoạch đô thị
Theo ông Đỗ Quốc Tiến – Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Hải Dương, thành công trong việc thực hiện khu đô thị phía Đông không những tạo nên một không gian đô thị hiện đại cho tỉnh, mà còn làm thay đổi nhận thức của người dân và cán bộ về quy hoạch và cuộc sống đô thị; góp phần bình ổn nhu cầu về nhà ở và đất ở cho nhân dân. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Bí thư Thành uỷ Hải Dương – thì cho rằng, việc hình thành khu đô thị mới phía Đông và sau đó là khu đô thị phía Tây góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đô thị Hải Dương.
Ông Bùi Thanh Quyến – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương – rất tâm đắc với những dự án của Tập đoàn Nam Cường. Ông nói: “Chúng tôi đánh giá cao khả năng và tâm huyết của nhà đầu tư Nam Cường. Cái gì đúng, Hải Dương sẽ quyết tâm làm cho đến kết quả cuối cùng”.
Khu đô thị mới phía Tây lớn gấp 5 lần khu phía Đông, với tổng diện tích 476ha, tổng vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng. Nơi đây đang trở thành trung tâm thương mại, phố chợ sầm uất nhất trong khu vực. Theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Hoá – GĐ Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương, việc quy hoạch khu đô thị phía tây một cách khoáng đạt là nhắm đến một đô thị tiêu chuẩn của tương lai. Vì phần lớn đất dành cho giao thông, công trình dịch vụ, sinh thái, còn đất bán cho dân cư làm nhà ở chỉ 15,7%. Hiện nay, Tập đoàn Nam Cường đã hoàn thiện hệ thống giao thông và hệ thống thoát nước; hoàn thành 90% hệ thống đèn chiếu sáng, 70% hệ thống vỉa hè, cây xanh…
Bà Nguyễn Thị Hà – một cư dân đang sống trong khu đô thị mới phía Đông – tự hào: “Chúng tôi đang được hưởng lợi xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra. Trước đây xem tivi thấy người dân ở Hà Nội và TPHCM sống trong các đô thị hiện đại, chúng tôi nghĩ nếu muốn như vậy thì chỉ có cách lên… Hà Nội. Nhưng nay, chúng tôi đã yên tâm đến sinh sống tại khu đô thị ở chính quê hương mình, nơi mà cơ sở hạ tầng không thua kém bất cứ một đô thị lớn nào”.
Người Hải Dương không bao giờ muốn mình là cư dân của một thành phố bị bỏ qua. Những gì Chính phủ, lãnh đạo tỉnh, thành phố đã làm và sự mạo hiểm của Tập đoàn Nam Cường đã giúp cho TP.Hải Dương trở thành một hiện tượng mới trong phát triển đô thị ở châu thổ sông Hồng. Lúc này, Hải Dương đã không còn là TP bị “bỏ qua”!
Ngoài những khách sạn đã đưa vào sử dụng, Tập đoàn Nam Cường còn đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao Nam Cường Đồ Sơn, sẽ mở cửa đón khách vào cuối năm 2011. Khách sạn 4 sao Nam Cường Nam Định sẽ hoàn thành vào năm 2012. Khách sạn Nam Cường Hà Nội và khách sạn Nam Cường Hà Tây đang được các nhà thiết kế chuyên nghiệp nước ngoài hoàn thành phần cuối cùng để chuyển sang thi công. Trong vòng 20 năm tới, Tập đoàn Nam Cường sẽ có từ 10 đến 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao và hệ thống văn phòng, căn hộ cao cấp cho thuê ở nhiều địa phương trong cả nước.
Cả cuộc đời ông chỉ mong sao được đóng góp nhiều vào sự mạnh giàu của đất nước và hạnh phúc của nhân dân, nên ông đã đem cả tâm huyết để hiến cho đời. Những việc ông đã làm không chỉ có giá trị to lớn về kinh tế, xã hội, mà còn để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị nhân văn sâu sắc, lâu bền.
Đã tròn một năm, anh Trần Văn Cường đi vào cõi vĩnh hằng. Buồn lắm, đời người chỉ có hạn! Nhưng với anh Cường, những công trình, những cống hiến của anh khi còn là người đứng đầu Tập đoàn Nam Cường Hà Nội thì vẫn còn đó, còn mãi với thời gian.
Sinh ra từ một vùng quê nghèo khó Xuân Trường – Nam Định; tạo dựng doanh nghiệp, trưởng thành trong gian nan của cơ chế thị trường trên bến Cảng Hải Phòng, TP Hải Dương, TP Nam Định, Thủ đô Hà Nội với những ý tưởng táo bạo, tạo dựng, mở mang những đô thị mới… ở nơi đâu Doanh nhân Trần Văn Cường cũng được nhân dân tin yêu mến phục. Tin vì Nam Cường đã nói là làm. Phục vì những đô thị do Nam Cường tạo dựng hiện hữu đều hoành tráng, hiện đại bền vững cho nhiều thế hệ mai sau…