Đã tròn một năm, anh Trần Văn Cường đi vào cõi vĩnh hằng. Buồn lắm, đời người chỉ có hạn! Nhưng với anh Cường, những công trình, những cống hiến của anh khi còn là người đứng đầu Tập đoàn Nam Cường Hà Nội thì vẫn còn đó, còn mãi với thời gian.
Tôi viết những dòng này tưởng nhớ anh, tưởng nhớ và thương tiếc số phận một người sinh ra trong hoàn cảnh gia đình và đất nước còn vô cùng khó khăn thiếu thốn. Nhưng anh đã vươn lên, vươn tới đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh bằng những năm tháng miệt mài luyện chí, luyện tài để trở thành một doanh nhân tài ba trong tốp những doanh nhân hàng đầu của đất nước vào thời kỳ đổi mới.
Để nhớ anh, trên bàn làm việc, tôi vẫn đặt tấm ảnh chụp mô hình trục đường phát triển phía Bắc – quận Hà Đông nối liền đường Lê Văn Lương kéo dài và khu đô thị mới Phùng Khoang, Hà Nội. Khi khởi công xây dựng trục đường này, anh đang chữa bệnh ở nước ngoài, phải vật vã chịu đựng đau đớn do căn bệnh hiểm nghèo. Vậy mà anh vẫn thường xuyên gọi điện về chỉ đạo tổ chức chu đáo buổi lễ và lưu ý chuẩn bị đầy đủ lực lượng thi công để công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng cao. Mới đây bộ máy lãnh đạo Tập đoàn Nam Cường Hà Nội trong đó vợ anh – chị Lê Thị Thúy Ngà là Chủ tịch Hội đồng quản trị thay anh, đã long trọng tổ chức lễ khánh thành trục đường trên. Đây là món quà lớn mà Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đã dâng lên Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Công trình này còn có ý nghĩa như một lẵng hoa tưởng nhớ, như một lời hứa với anh đã được thực hiện hoàn hảo để viếng anh nhân ngày giỗ đầu.
Trong những năm quen biết, tôi và anh Trần Văn Cường thể hiện tấm lòng mến yêu tin tưởng nhau. Anh đã đưa tôi đi thăm khách sạn Tray ở Hải Phòng; Cụ thân sinh ra chị Thúy Ngà mất, anh vội vã báo tin cho tôi đến viếng. Anh đưa tôi về khu đô thị mới Hòa Vượng, Nam Định; trực tiếp giới thiệu tỉ mỉ cho tôi quy hoạch hai dự án xây dựng đô thị mới ở phía Đông và Tây Thành phố Hải Dương. Anh tổ chức cho tôi cùng đoàn cán bộ của Tập đoàn đi thăm Malaysia, thăm mấy khu đô thị mới xây dựng, xem những căn hộ mẫu, những biệt thự sang trọng. Anh nói người ta đi trước mình, có nhiều kinh nghiệm quý cần học tập, học để mình làm không kém người, còn có thể làm hay hơn. Trong chuyến đi này, có nhiều thời gian anh tâm sự với tôi, kể cho tôi nghe chuyện vào đời lập nghiệp: Một tỷ phú như tôi từ chân đất dép lê đi lên. Đã từng làm anh chống thuyền chở lợn của Hợp tác xã đi làm nghĩa vụ giao nộp sản phẩm; Đã từng kiếm sống bằng nhặt nhạnh, buôn bán phế liệu, từ đó tích lũy sắm tàu vận tải mở mang dịch vụ,… Tôi nghĩ mỗi người sinh ra trên đời này không chỉ biết lo cho đời sống của mình và gia đình mà phải biết sống có nghĩa tình, biết trả ơn người có công, biết đền đáp cho quê hương đất nước. Ra biển phải nhớ về sông, uống nước phải nhớ nguồn. Đó là đạo lý sống của con người. Bởi vậy ngoài những công trình đã làm ở Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định,… , tôi mơ ước làm một công trình gì đó ở thủ đô Hà Nội. Tôi nói với anh, đất ở Hà Nội giờ hiếm lắm rồi, nhưng với tài “ thao lược” và ý chí tiến thủ của anh chắc chắn anh sẽ thành công.
Quả là như vậy, chỉ một thời gian ngắn Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đã tiến về Hà Nội với tư thế của một nhà đầu tư đầy đủ năng lực vốn liếng, kỹ thuật và uy tín về đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình. Bước đầu tập đoàn xây dựng khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông. Anh cho người trợ lý mang đến cho tôi cả tập tài liệu về dự án trục đường phát triển phía Bắc quận Hà Đông nối liền với đường Lê Văn Lương kéo dài và khu đô thị mới Phùng Khoang – một khu đô thị xanh hiện đại. Còn một số công trình nữa trên địa bàn Hà Nội đang được triển khai. Điều đó chứng tỏ tầm vóc của Nam Cường đã khỏe lên nhiều và đang đứng vững trên địa bàn Hà Nội.
Anh Cường ơi! Anh ra đi quá sớm, mới quá tuổi ngũ tuần. Đội ngũ những người thay anh gánh vác công việc của Tập đoàn, bạn bè xa gần cảm phục ý chí và nghị lực vươn lên của anh, trân trọng lưu giữ nghĩa tình của anh.
Trước đây tôi đã viết nhiều bài về anh và Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đăng trên Báo Nhân Dân và một số báo khác, qua đó thể hiện lòng tin ở anh đã định làm gì thì làm bằng được. Giờ đây, lòng tin ấy, được thấy ở những người đang tiếp tục sự nghiệp của anh.
Vĩnh biệt anh!
Phạm Thanh Nhà báo – Nguyên Trưởng ban kinh tế Công nghiệp Báo Nhân Dân
Ngoài những khách sạn đã đưa vào sử dụng, Tập đoàn Nam Cường còn đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao Nam Cường Đồ Sơn, sẽ mở cửa đón khách vào cuối năm 2011. Khách sạn 4 sao Nam Cường Nam Định sẽ hoàn thành vào năm 2012. Khách sạn Nam Cường Hà Nội và khách sạn Nam Cường Hà Tây đang được các nhà thiết kế chuyên nghiệp nước ngoài hoàn thành phần cuối cùng để chuyển sang thi công. Trong vòng 20 năm tới, Tập đoàn Nam Cường sẽ có từ 10 đến 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao và hệ thống văn phòng, căn hộ cao cấp cho thuê ở nhiều địa phương trong cả nước.
Cả cuộc đời ông chỉ mong sao được đóng góp nhiều vào sự mạnh giàu của đất nước và hạnh phúc của nhân dân, nên ông đã đem cả tâm huyết để hiến cho đời. Những việc ông đã làm không chỉ có giá trị to lớn về kinh tế, xã hội, mà còn để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị nhân văn sâu sắc, lâu bền.
Sinh ra từ một vùng quê nghèo khó Xuân Trường – Nam Định; tạo dựng doanh nghiệp, trưởng thành trong gian nan của cơ chế thị trường trên bến Cảng Hải Phòng, TP Hải Dương, TP Nam Định, Thủ đô Hà Nội với những ý tưởng táo bạo, tạo dựng, mở mang những đô thị mới… ở nơi đâu Doanh nhân Trần Văn Cường cũng được nhân dân tin yêu mến phục. Tin vì Nam Cường đã nói là làm. Phục vì những đô thị do Nam Cường tạo dựng hiện hữu đều hoành tráng, hiện đại bền vững cho nhiều thế hệ mai sau…
15 tuổi đã phải nghỉ học để lênh đênh trên những chuyến tàu vượt tuyến lửa chở hàng vào Nghệ An, Thanh Hoá. Bằng cấp duy nhất trong cuộc đời ông có được là cái chứng chỉ thuyền trưởng tàu vận tải nhẹ được cấp năm 1976, còn lại tất tần tật đều học ở trường đời